Ngày 24-11, Bệnh viện Từ Dũ và Hiệp hội Sakura Nhật Bản đã ký kết hợp tác thành lập đơn vị nha khoa thai phụ tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là thành quả từ sự vận động, kết nối từ giáo sư Nagato Natsume (lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya, Nhật Bản).
Tham dự có ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM; ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế, cùng lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải - giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho biết tại TP.HCM các chương trình chăm sóc sức khỏe thai phụ được triển khai đều đặn và đạt nhiều thành công.
Không chỉ chú trọng ở việc sinh an toàn, theo ông, bệnh viện còn nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt trong chăm sóc răng miệng (nha khoa) cho thai phụ.
Ông Hải bày tỏ vui mừng khi Bệnh viện Từ Dũ trở thành đơn vị đầu tiên được Hiệp hội Sakura Nhật Bản lựa chọn triển khai dự án chăm sóc răng miệng thai phụ. Hiện bệnh viện đã phối hợp với Hiệp hội Sakura khảo sát hạ tầng, kỹ thuật, con người và có thể triển khai ngay được dự án này.
Với việc hợp tác hình thành đơn vị nha khoa thai phụ, ông Hải cho rằng sẽ là tiền đề giúp bệnh viện có nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức y tế hàng đầu của Nhật Bản trong chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
"Tôi rất cảm kích trước lý tưởng không làm vì lợi nhuận mà hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho thai phụ, trẻ em. Mục tiêu này rất ý nghĩa và cần thiết" - ông Hải nói.
Chia sẻ tại lễ ký kết, giáo sư Nagato Natsume khẳng định sự ủng hộ về định hướng phát triển y tế chuyên sâu của TP.HCM, trong đó cam kết phối hợp xây dựng đơn vị nha khoa cho thai phụ tại Bệnh viện Từ Dũ.
Theo ông, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thai phụ, trong đó chăm sóc răng miệng đóng một vai trò quan trọng nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý như viêm nha chu thai kỳ, u nướu thai kỳ, khô miệng thai kỳ. Viêm nha chu cũng là bệnh khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trẻ nhẹ cân, sinh non.
Giáo sư Nagato Natsume mong muốn đơn vị nha khoa sẽ sớm hình thành phục vụ cho sản khoa theo công nghệ Nhật Bản. Đơn vị này sẽ đặt ở Bệnh viện Từ Dũ, do bệnh viện điều hành.
Tại sao Nhật Bản có tuổi thọ cao?
Giáo sư Nagato Natsume cho biết việc chăm sóc răng miệng cho thai phụ ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ. Theo nghiên cứu, 100% phụ nữ trong giai đoạn có thai đều xảy ra bệnh nha chu, chảy máu răng miệng...
Dẫn thói quen của người Việt là người lớn hay nhai cơm bón cho con hoặc dùng miệng thổi đồ ăn hoặc "thơm chút chút", giáo sư Nagato Natsume cho rằng điều này sẽ ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn.
Bởi theo ông, nha chu là loại bệnh truyền nhiễm, do đó các hành động trực tiếp này vô tình truyền bệnh cho con, điều này hết sức nguy hiểm. Do đó ngoài điều trị, đây còn là giáo dục cha mẹ, người thân bảo vệ răng miệng cho trẻ.
"Đây là việc rất quan trọng, răng phát triển tốt sẽ kéo theo sức khỏe tốt. Ở Nhật Bản thường nói đến tuổi thọ cao và tôi xin chia sẻ rằng một trong các lý do là do chăm sóc răng miệng tốt. Điều này lý giải ở đất nước chúng tôi, lứa tuổi ngoài 80 tỉ lệ còn 20 răng rất nhiều" - giáo sư Nagato Natsume nói.
Hai bệnh lý về răng miệng nổi trội hiện nay đa số người Việt Nam gặp phải là sâu răng và nha chu, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất răng.