Đánh giá sự phát triển tín nhiệm nội địa và vai trò của xếp hạng tín nhiệm với thị trường cận biên tại lễ khai trương Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam - Vietnam Investors Service (VIS Rating), ông Phạm Phú Khôi - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty - nói xếp hạng tín nhiệm quan trọng với bất kỳ thị trường tài chính nào (mới nổi, cận biên hay đã phát triển).
Ông thông tin, từ năm 2014, Bộ Tài chính đã ra quy định về xếp hạng tín nhiệm. Đây là dấu mốc mở đầu của việc cần phải có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
"Do những quy định không bắt buộc với việc có xếp hạng tín nhiệm nên thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu", ông Khôi nhận định.
Ông Khôi thông tin, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng về việc phát triển tổ chức xếp hạng tín nhiệm, để có kênh minh bạch, đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư nhận định về các rủi ro, trước khi họ quyết định đầu tư.
"Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tự làm được nhưng nhà đầu tư cá nhân sẽ khó khăn. Chúng ta gặp phải nhiều vấn đề trong thời gian vừa qua. Xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng cho thị trường vốn phát triển bền vững thời gian tới", ông Khôi nói.
3 điểm dẫn dắt thị trường trái phiếu
Ông Simon Chen - Tổng giám đốc VIS Rating - nhận định thị trường trái phiếu đã trải qua cú sốc thanh khoản 2 năm gần đây, khi nhiều nhà phát hành trái phiếu không thể trả nợ gốc và lãi đúng hạn.
Nhận định về thị trường trái phiếu năm 2024, ông cho rằng sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường.
Thứ nhất là tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc và lãi phát sinh mới sẽ giảm dần. Việc này đến từ môi trường lãi suất thấp, khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất điều hành năm 2023, giúp việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn.
Thứ 2, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với hoạt động kinh doanh và kích cầu nền kinh tế giúp cho doanh nghiệp sẽ dần hiệu quả trong năm 2024, giúp hoạt động kinh doanh, dòng tiền của doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó, khả năng huy động vốn, trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành cải thiện dần.
Ngoài ra, những quy định chặt chẽ về việc phát hành trái phiếu sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển theo hướng kỷ luật hơn. Nhà phát hành công bố thông tin đều đặn hơn, việc này sẽ giúp nhà đầu tư cũng hiểu rõ hơn hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp. Quy định rõ hơn về chủ thể tham gia thị trường sẽ quy định rõ hơn nhà đầu tư chuyên nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Với những thay đổi thời gian gần đây của thị trường, đại diện VIS Rating nói tâm lý nhà đầu tư được cải thiện dần.
"Chúng tôi cho rằng khối ngân hàng sẽ là động lực cho hoạt động phát hành mới của trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng luôn là đơn vị có lượng phát hành trái phiếu lớn trên thị trường, chiếm 30-40% giá trị phát hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sẽ là động lực phát hành mới trong giai đoạn tiếp theo", ông nhận định.
4 yếu tố định hình lại thị trường tài chính
Bà Wendy Cheong - Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's - đơn vị sở hữu VIS Rating - nhận định có 4 yếu tố định hình lại thị trường tài chính năm 2024.
Đầu tiên là việc kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi đó lãi suất vẫn duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh tác động về chu kỳ lãi suất và lạm phát, bà Wendy Cheong chỉ ra rủi ro về khí hậu, dân số thế giới già đi, các công nghệ mới… sẽ tạo áp lực, thách thức đến mô hình kinh doanh hiện hữu của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới doanh thu.
Thứ 3, những sự thay đổi mới trên thị trường tài chính đòi hỏi các công ty phải có sự thay đổi tương ứng.
Cuối cùng, sự chia rẽ các nước lớn sẽ định hình lại các chính sách và quyết định đầu tư. "Trong nước, điều đó đồng nghĩa với việc các chính sách mới sẽ hình thành chậm hơn", bà nói.
Tổng quan lại, đại diện Moody's nói trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thì rủi ro tái cấp vốn sẽ tăng lên với các tổ chức phát hành trái phiếu có lãi suất cao và tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ đạt đỉnh ở khoảng 4,5-5% vào năm 2024 - cao hơn mức trung bình là 4%.
Tuy nhiên, bà đánh giá con số không quá cao, nhất là khi so sánh với mức gần 7% trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19 hoặc mức 13,4% trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phía Moody's dự kiến các công ty có cấu trúc vốn nợ với lãi suất thả nổi và không được phòng ngừa rủi ro, được xếp hạng ở mức 3B hoặc thấp hơn, đặc biệt là trong các ngành có nhu cầu yếu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn các đơn vị khác.
"Cách tốt nhất để các đơn vị xếp hạng tín nhiệm phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành, các thành viên khác trên thị trường là luôn bám sát, lắng nghe thị trường", bà nói.