Chiều 24-11, PGS.TS Võ Công Thành - nguyên trưởng bộ môn di truyền và chọn giống Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) - đề xuất các địa phương chỉ nên quy hoạch trồng một giống lúa ở một vùng, sử dụng phân bón hữu cơ để giữ gạo mùi thơm lâu, chất lượng cơm ngon hơn, nhằm tăng chất lượng gạo Việt.
Thông qua hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.
Mỗi vùng nên trồng một giống
Theo ông, hiện nay miền Tây đang có nhiều giống lúa gạo thơm như ST25, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM18... Các doanh nghiệp nên tìm thêm vùng trồng lúa thơm thích hợp. Ví dụ, ST25 trồng ở Tây Nguyên bằng hình thức cánh đồng một giống lúa, bón phân hữu cơ và kết quả chất lượng gạo ngon, mùi thơm lâu hơn sau khi nấu.
"Làm gì để chúng ta giữ được mùi thơm của gạo, giữ cái đặc biệt riêng. Làm sao khi đóng gói, vận chuyển đi mà vẫn giữ được mùi thơm. Tôi có dịp đi qua Thái Lan, ở đây gạo Jasmine rất nổi tiếng. Nhưng nói thật, tôi ăn chẳng thấy ngon gì.
Dựa vào bài học thành công của gạo ST25, tôi thấy những giống thơm mình cần trồng chỗ nào cho phù hợp, phải sử dụng bón phân hữu cơ. Chứ không thể chỗ nào cũng trồng, chất lượng lúa gạo sẽ không đồng đều", ông Thành nói.
Cũng theo ông, sử dụng phân hữu cơ sẽ giữ mùi thơm lâu, chất lượng cơm ngon hơn. Nếu mà được thì người nông dân phải kiêng thuốc hóa học, mỗi cánh đồng chỉ nên trồng một giống thơm hoặc chỉ một giống lúa.
Ông Thành đề xuất các địa phương nên quy hoạch trồng 2 vụ một năm, có thể chọn giống lúa từ 85-90 ngày, để bà con được giúp đỡ trong việc trồng trọt, thu hoạch và thu mua với giá cao hơn.
Phải xây dựng hệ thống giống quốc gia mang tính đồng đều cao, tuân thủ theo địa phương đưa ra. Cải tổ lại hệ thống giống, chất lượng giống sẽ giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc. "Phải sản xuất tập trung vào giá trị hạt gạo, các giống lúa chất lượng cao, phát triển nông nghiệp sạch, chú trọng chất lượng thay vì số lượng", ông Thành cho biết thêm.
Tận dụng bờ ruộng để tăng thu nhập
PGS.TS Võ Công Thành cũng chia sẻ về hướng phát triển nông nghiệp sạch trong tương lai. Trong đó có bao gồm cả vấn đề truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sinh thái và tín chỉ carbon.
Để giải quyết trồng lúa lâu dài và xuất đi được, dù trồng giống, có chất lượng cũng phải tránh gạo giả mạo trên thị trường trong và ngoài nước. Đến năm 2028, các nước khi xuất khẩu gạo phải có chứng chỉ giảm khí phát thải.
Trước mắt, ngành nông nghiệp phải xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ carbon. Trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở để tạo ra hàng hóa cho thị trường, thúc đẩy thị trường.
Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy cần quan tâm thí điểm ở quy mô hẹp. Tiến tới từng bước mở rộng thị trường, kết nối thị trường và phòng ngừa rò rỉ carbon.
"Hiện nay, nước ngoài người ta vào Việt Nam để mua rác của chúng ta, để họ sản xuất quần áo, giày dép… Trong khi người nông dân đang lãng phí nguồn rơm rạ trong sản xuất.
Nếu kênh đào Phù Nam bên Campuchia xẻ từ Biển Hồ ra vịnh Thái Lan, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn trong tương lai gần. Nên phải tính tới việc chọn giống lúa thích nghi với hạn mặn.
Đáng lẽ tôi giấu, nhưng tôi chia sẻ luôn tại đây để giúp bà con nông dân. Tôi đề xuất trên bờ ruộng bà con trồng cây đặc sản gì đó để bán kiếm tiền. Chứ đừng trồng hoa mười giờ lãng phí lắm.
Một loại cây có giá trị lớn, ở Tây Nguyên bà con trồng cả ngàn mét vuông. Đó là cây sa kê, người ta mua cả lá, trái, cành để chiết xuất thành chất trong vật liệu xây dựng", ông Thành chia sẻ thêm về cách cắt giảm khí thải.
Chiều 24-11, tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”.