Mỗi ngày anh Cung Đình Mậu thu mua hơn 1 tấn chuột để bán ra các tỉnh phía Bắc |
Nghề luôn được chào đón
Kiểm tra lại các loại bẫy săn chuột đồng chất kín sau cốp xe ô tô 4 chỗ, anh Trần Văn Thường - 51 tuổi, trú làng Thọ Bằng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - nói rằng: “Nghề này phải ăn, ngủ ngay trên đồng để tiện thăm bẫy, canh trộm nên đi xe ô tô cho tiện. Đêm lỡ có mưa, anh em lên xe ngủ luôn đỡ phải chạy vào nhà dân xin ngủ nhờ”.
Kể từ ngày có “xế hộp”, đội săn chuột của anh Thường vào tận những cánh đồng rộng lớn ở Hà Tĩnh để đặt bẫy. Họ xuất phát từ lúc mặt trời còn đứng bóng, đến sáng hôm sau thì mang thành quả về bán cho các thương lái thu mua trong làng. Trung bình mỗi ngày 1 người có thể bỏ túi 1-1,5 triệu đồng, hôm “trúng” thì được 3-4 triệu.
Làng Thọ Bằng có hàng chục đội săn chuột. Khoảng 6 tháng cuối năm, thời điểm chuột đồng to và béo nhất, họ kéo nhau đi khắp các cánh đồng ở Nghệ An, thậm chí đến các tỉnh lân cận để bắt chuột. Dân Thọ Bằng có vô vàn cách bắt chuột, nhưng cách ít mất sức nhất là đặt bẫy. Để bẫy chuột phát huy hiệu quả, thợ săn phải biết tập tính của chuột để tìm hang ổ, đặt bẫy trên đường đi của chúng. “Bẫy chuột làm bằng tre hoặc bằng thép. Không cần bỏ mồi gì hết. Chỉ cần chịu khó quan sát tìm hang ổ rồi đặt ngay đường đi là chuột tự chui vào. Nửa đêm chúng tôi đi kiểm tra, bắt chuột. Sáng hôm sau thì thu dọn bẫy và đưa chuột về bán” - anh Thường kể.
Chuột là nỗi ám ảnh của người nông dân, thế nên những đội săn chuột luôn được người dân ở khắp nơi chào đón. Tận mắt chứng kiến hàng ngàn con chuột dưới ruộng bị tóm gọn mà chẳng cần đến thuốc, hay đào bới ruộng bờ, nhiều người còn mang nước ngọt, bánh kẹo ra ruộng để “cảm ơn” thợ săn. Anh Thường bảo rằng, nghề săn chuột đồng không chỉ giúp có thêm thu nhập mà còn giúp bảo vệ mùa màng nên được bà con quý trọng. “Bà con thường phải dùng thuốc để diệt chuột, cách này tiềm ẩn rủi ro, lại tốn kém, nên đã xin đi theo học nghề. Chúng tôi đã chỉ họ cách làm bẫy, đặt bẫy” - anh Thường nói.
Chị Vũ Thị Hường - 42 tuổi, trú làng Thọ Bằng - cho biết: “Dân làng Thọ Bằng chủ yếu làm 2 nghề, trồng lúa và săn chuột. Thực ra trồng lúa để lấy gạo ăn thôi chứ thu nhập không bao nhiêu. 2 vợ chồng tôi đi bắt chuột 4 ngày qua kiếm được gần 8 triệu đồng, tính ra bằng 1 vụ lúa rồi”. Nữ thợ săn bảo, rượt đuổi chuột có hiệu quả cao hơn đặt bẫy, nhưng mất nhiều sức, ít người đủ sức khỏe để đuổi liên tục.
Để bắt được chuột đồng trốn trong hang, thợ săn phải tìm cách phá hang, đổ nước vào để chuột chạy ra bẫy đặt trước cửa hang. Nhưng có khi chuột chạy tán loạn, phải đuổi theo bắt chúng. “Bắt chuột bằng cách này mệt lắm, đầu mùa đến nay tôi sụt mất 2kg rồi. Vì thế, hoặc đi đuổi chuột ít ngày, mệt thì chuyển sang đi đặt bẫy xen kẽ để đảm bảo sức khỏe” - chị Hường nói.
Thợ săn chuột phải mang lỉnh kỉnh đồ nghề theo mỗi chuyến để ăn, ngủ ngay trên đồng |
Chợ chuột trên đường làng
Hơn 40 năm gắn bó với nghề săn chuột, ông Cung Đình Phong - 60 tuổi, trú làng Thọ Bằng - nói rằng, chẳng ai biết nghề săn chuột có từ bao giờ. Ông nói: “Chuột đồng làm thịt được người dân nhiều nơi đến mua về ăn, thậm chí nhiều người ở tận miền Nam cũng gọi về đặt mua. Giờ chuột được thương lái thu mua số lượng lớn nên hầu như nhà nào cũng đi bắt cả, nhiều nhà xây nhà tầng, mua xe ô tô nhờ cái nghề này”.
Xế chiều, đoạn đường vào xã Đức Thành nghi ngút khói, thơm phức bởi những “quầy” chuột nướng dọc 2 bên đường. Chị Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi) cho biết, thịt chuột đã làm sạch có giá từ 100.000-150.000 đồng/kg tùy loại. Anh Cung Đình Mậu - chủ một cơ sở thu mua chuột - tiết lộ, mỗi ngày anh thu mua hơn 1 tấn chuột đồng để bán ra các tỉnh phía Bắc. Chuột đồng hiện được thu mua với giá 35.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Từ tháng Tám đến tháng Mười âm lịch là cao điểm mùa bắt chuột nên kiếm tiền dễ lắm. Có người kiếm 2-3 triệu đồng/ngày là bình thường.
Ông Cung Đình Hoàn - Bí thư làng Thọ Bằng - cho biết, gần 200 hộ trong làng hiện đang sống bằng nghề săn chuột đồng. Ngoài ra còn có 2 cơ sở thu mua chuột đồng để bán ra các tỉnh phía Bắc, tiêu thụ hàng tấn chuột mỗi ngày. Nghề săn chuột đồng không chỉ góp phần bảo vệ mùa màng mà còn giúp người dân trong làng có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm 1 người có thể kiếm được hơn 100 triệu đồng từ nghề này.
Treo thưởng diệt chuột Trước tình trạng chuột hoành hành, nhiều xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh phải vận động người dân ra quân diệt chuột trước các vụ mùa. Thậm chí, nhiều xã còn treo thưởng 2.000-5.000 đồng/con chuột để khuyến khích người dân bắt chuột, bảo vệ mùa màng. Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, toàn xã có hơn 300ha đất trồng lúa và 280ha đất trồng hoa màu. Mỗi năm, tình trạng chuột cắn phá lúa, hoa màu gây thiệt hại lên đến 15% tổng sản lượng. Tháng 11/2022, UBND xã Thịnh Lộc phát động toàn dân ra quân diệt chuột trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân và treo thưởng 3.000 đồng/con chuột. “Đợt đó, trong 3 ngày, bà con bắt được hơn 13.000 con chuột. Năm nay, chúng tôi đang chờ thời điểm thích hợp để phát động người dân ra quân diệt chuột” - ông Nguyễn Khắc Phong nói. |
Phan Ngọc
Xem thêm: lmth.6926051a-gnod-touhc-nas-gnal-iv-uht/nv.moc.enilnounuhp.www