Cũng như người bị tai nạn, thương tích thân thể cần sơ cấp cứu, những tổn thương, triệu chứng bất ổn về tinh thần cũng cần được hỗ trợ và can thiệp ban đầu.
Không thể nhìn thấy rõ như vết thương thể xác, những vết thương và sang chấn về mặt tâm lý có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lâu dài đến cá nhân, thậm chí đe dọa tính mạng của họ và những người xung quanh.
Và cũng tương tự như lợi ích của chương trình sơ cấp cứu thông thường, có một người hiểu và sơ cứu tinh thần đúng cách sẽ giúp không chỉ người bệnh mà còn góp phần cứu những thành viên trong gia đình có thể chịu ảnh hưởng tâm lý từ họ.
Một buổi tối tại hội trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hàng trăm người tham gia workshop miễn phí Mental Health First Aid của Survival Skills Vietnam (SSVN), một doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế.
Sau khi cho cả lớp làm bài khảo sát về nhận thức sức khỏe tinh thần và khởi động bằng bài tập thở, hai người đồng sáng lập của SSVN - chị Trang Jena Nguyễn và chuyên gia sơ cấp cứu Tony Coffey - bắt đầu bài giảng.
Xuyên suốt một tiếng lý thuyết, người tham gia học cách nhận biết những dấu hiệu và cách hỗ trợ với năm vấn đề sức khỏe tinh thần thường xuất hiện trong cộng đồng: rối loạn stress và trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần, lạm dụng chất gây nghiện và rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD).
Những người tham gia đủ mọi lứa tuổi - từ trẻ đến trung niên, người ở nội thành, người từ Vĩnh Long đón xe lên Sài Gòn. Có người đến để có thêm kiến thức, người từng bất lực vì người thân, bạn bè rơi vào trầm cảm.
Với tình huống đầu, người vào vai "sơ cứu viên" lắng nghe, chia sẻ và quan sát cho đến khi bạn nữ thực sự mở lòng nói về vấn đề của mình, thay vì động viên "Hãy vui lên" như thói quen thông thường.
Ở tình huống còn lại, sơ cứu viên để ý ngôn ngữ cơ thể, kiên nhẫn hướng dẫn người bạn trong cơn hoảng loạn tập thở và cùng giải quyết vấn đề.
Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chị Trang Jena Nguyễn cho biết những workshop thế này chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên trong quá trình triển khai chương trình đào tạo bài bản về sơ cứu tinh thần.
Trong tương lai, SSVN sẽ triển khai chương trình về sơ cứu tinh thần với thời lượng khóa học chuẩn - 8 tiếng. Đây là nỗ lực để mang mô hình đào tạo bài bản về sơ cứu tinh thần Mental Health First Aid (MHFA) của Úc về Việt Nam.
Khóa học MHFA đầu tiên ở Úc diễn ra năm 2000 và từ đó đã phát triển thành phong trào toàn cầu. Chương trình này đã có mặt ở hơn 25 quốc gia, với trên 6 triệu người khắp thế giới được đào tạo.
MHFA là ý tưởng, nảy ra trong một buổi đi dạo đêm của cặp vợ chồng Betty Kitchener - y tá dạy sơ cứu cho Hội Chữ thập đỏ Úc - và Anthony Jorm - giáo sư nhận thức sức khỏe tâm thần Đại học Melbourne. Kitchener từng trải qua nhiều cơn trầm cảm nặng trong đời, còn Jorm tâm tư khi nhiều người không biết cách "sơ cấp cứu" khi gặp một người thân, người lạ đang trong tình trạng đau khổ.
"Trong suốt cuộc đời, hầu hết chúng ta sẽ không gặp nạn nhân trong tình trạng ngưng tim ngưng thở mà sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những người đang gặp vấn đề với sức khỏe tâm thần. Tại sao chúng ta lại không được dạy sơ cứu về tinh thần?" - Kitchener nói trong một cuộc phỏng vấn với LIFE Communications, dự án ngăn chặn tự tử ở Úc.
Mục tiêu của MHFA không phải để đào tạo học viên trở thành chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần, mà giúp họ ở vai trò người phản ứng đầu tiên (first responder) trước tình huống, người hỗ trợ chuyên gia.
Thông qua việc nhận diện những triệu chứng giai đoạn đầu dễ bị bỏ qua - như việc một người thu mình, im lặng bất thường hay mất hứng thú với hoạt động thường ngày, mất kết nối với thực tại - những người được đào tạo MHFA có thể góp phần ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn của rối loạn tâm thần với cá nhân đó.
Một ví dụ thực tế, theo tạp chí Scientific American, là trường hợp của Aaron Alexis, cựu binh hải quân 34 tuổi đã xả súng làm 12 người chết ở Mỹ năm 2013.
Một tháng trước khi án mạng xảy ra, Alexis từng gọi cảnh sát yêu cầu hỗ trợ về tinh thần khi bản thân xuất hiện triệu chứng hoang tưởng và cảm thấy vô cùng hoảng loạn.
Nhưng những gì các nhân viên ứng phó làm chỉ là đến khách sạn trò chuyện với y, gọi điện cho người giám sát, lập báo cáo. Không có bất kỳ sự theo dõi sát sao sau đó, cũng như không nhận diện được y có dấu hiệu của cơn loạn thần cấp - tình trạng cần đến bệnh viện để cấp cứu và điều trị bằng thuốc.
Sau trường hợp của Alexis, nhiều cảnh sát đã bắt đầu tham gia chương trình MHFA tại Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã phê duyệt ngân sách 15 triệu USD dành riêng cho MHFA trong năm tài khóa 2014 và 2015. Ít nhất 23 tiểu bang nước Mỹ đã đưa ra luật hoặc phân bổ ngân sách để hỗ trợ MHFA.
Trong bài phỏng vấn với Los Angeles Times, Jorm và Kitchener cũng thẳng thắn trả lời các câu hỏi liên quan đến chỉ trích nhằm vào chương trình của họ, chẳng hạn như MHFA chỉ tập trung vấn đề y khoa mà bỏ qua bối cảnh xã hội đằng sau mỗi cá nhân, cũng như chương trình thiếu sự đóng góp từ người có trải nghiệm thực với bệnh tâm thần.
Kitchener nhấn mạnh các khóa học MHFA đều có sự tham gia của hội đồng chuyên môn và đóng góp từ không chỉ người từng trải qua khủng hoảng tinh thần mà còn cả người chăm sóc và các chuyên gia đã thăm khám cho họ.
Bà cũng nói rõ rằng người sơ cứu sức khỏe tâm thần, mặc dù được huấn luyện để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của các chấn đoán tâm thần khác nhau, "không phải là người chẩn đoán bệnh".
Một khóa MHFA với quy chuẩn thời lượng 8 tiếng chỉ có thể cung cấp cho người học những khái niệm cơ bản nhất và giải pháp ngắn hạn, giảm đau, xoa dịu cho người bệnh ở thời điểm đó.
Đích cuối cùng, người hỗ trợ cần chuyển người bệnh đến gặp người có chuyên môn phù hợp.
Ngoài MHFA còn một phương pháp sơ cứu tinh thần khác, dù ít phổ biến hơn nhưng vẫn được tập huấn thường xuyên cho các tổ chức trên khắp nước Mỹ và một số cơ quan quốc tế: emotional CPR (eCPR, sơ cứu cảm xúc).
Đây là cách đặt tên chơi chữ, vì CPR ở đây không phải là hồi sức tim phổi mà là viết tắt của Connect (kết nối), emPowering (trao quyền), và Revitalizing (hồi sinh).
eCPR do Daniel Fisher, một bác sĩ tâm thần người Mỹ từng bị chẩn đoán tâm thần phân liệt, phát triển. Phương pháp này hướng đến việc để những người từng gặp vấn đề tâm thần dùng chính trải nghiệm đó để hiểu rộng hơn về bản thân và những người khác.
Myers cũng lưu ý rằng trong thực tế sẽ có những trường hợp không thể sơ cứu tinh thần, chẳng hạn một người có dấu hiệu rối loạn tâm thần la hét tại ga tàu. Điều đúng đắn lúc này là gọi cho cơ quan chức năng liên quan.
Một đứa trẻ sẽ không vô cớ tự kết liễu đời mình. Cần phải "khám nghiệm tâm lý" để hiểu chuyện gì đã xảy ra, từ đó có cách ngăn chặn những sự việc đau lòng tiếp diễn.
Đó là sứ mạng mà một bác sĩ tự trao cho mình cách đây nửa thế kỷ và kiên trì theo đuổi nó để rồi trở thành "thám tử" của những cảm xúc vị thành niên.
Tiến sĩ David Shaffer, bác sĩ tâm thần người Mỹ nổi tiếng với các nghiên cứu về việc tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên, qua đời vào trung tuần tháng 10 ở tuổi 87.
Ông đã dành nhiều thập niên để xây dựng khuôn khổ sàng lọc và đặt nền móng cho những nỗ lực phòng ngừa tự tử trong xã hội hiện đại. Các chương trình phòng ngừa và sàng lọc mà David Shaffer đấu tranh thực hành cách đây hàng chục năm giờ đã trở nên phổ biến.
Vào những năm 1970, hầu hết mọi người coi việc tự tử của một đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên là một hành động ngẫu nhiên và không thể đoán trước.
Khi đang theo học ngành dịch tễ học, bác sĩ trẻ David Shaffer đã thực hiện một cuộc điều tra "khám nghiệm tâm lý" (psychological autopsy), thu thập thông tin chi tiết từ những người lớn chăm sóc 31 trẻ em đã chết vì tự tử.
Tiến sĩ Shaffer nhận ra điều này khi ông liên tục phát hiện ra tên của một thị trấn xứ Wales trong báo cáo của các nhân viên điều tra. Những khoảnh khắc lóe sáng như vậy trong nhiều năm dài nghiên cứu mang đến cho ông một hướng đi vững chắc.
Từ cuộc điều tra đầu tiên về tâm lý đó kéo theo những cuộc điều tra sau này trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, ông đã xác định được nhiều đặc điểm lâm sàng, thần kinh và hành vi liên quan đến tự sát.
Shaffer là người đứng đầu chương trình tâm thần học trẻ em rộng lớn và có sức ảnh hưởng của Đại học Columbia danh tiếng.
Ông đã phát triển các bộ công cụ đánh giá lâm sàng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay, một trong số đó là Thang phỏng vấn chẩn đoán dành cho trẻ đánh giá hơn 30 chẩn đoán phổ biến (DISC-IV).
Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng thang đo này của ông để phát triển nhiều phiên bản khảo sát nâng cao chi tiết hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004 trên tạp chí Focus của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, tiến sĩ David Shaffer hồi tưởng về thời trai trẻ của mình khi cả xã hội vẫn xem tự tử là "một lựa chọn hợp lý cho những người phải đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt".
Quan niệm này khiến cho việc dự đoán và phòng ngừa trở nên đặc biệt khó khăn.
Phải mất một thời gian dài thì những công trình nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, nhà tâm lý học xã hội và nhận thức mới chứng minh được rằng hầu hết những người chết do tự sát đều mắc bệnh tâm thần không được điều trị.
Tiến sĩ Shaffer nói thêm: "Việc nói về kết liễu cuộc sống từng là lĩnh vực khai thác của các nhà văn, nhà thơ và triết gia, nhưng giờ đây nó lại hoàn toàn nằm trong địa hạt lâm sàng của y khoa".
Trong một bài phỏng vấn khác với Đài PBS năm 2007, David Shaffer lý giải vì sao lĩnh vực tâm thần học trẻ em lại tụt hậu so với phần còn lại của y học.
Ông cho rằng tâm thần học dành cho người lớn dựa trên những quan sát được thực hiện trong các bệnh viện tâm thần, nơi mà trẻ con nói chung không được đưa vào.
Theo Shaffer, đó có thể là một trong những lý do mang tính lịch sử tại sao mãi đến những năm 1940 mới có được những mô tả hay về các chứng rối loạn khác nhau ở trẻ em.
Prudence Fisher - nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Tâm thần bang New York ở Manhattan (Mỹ), người thường đi cùng ông trong những chuyến viếng thăm này - cho biết:
"Ông ấy bị cuốn hút bởi cách mọi người cư xử và tại sao họ lại cư xử như vậy". Cô kể lại, các cuộc phỏng vấn thường kéo dài từ 4-6 giờ và các nhà nghiên cứu thường là những người đầu tiên mà các gia đình trải lòng về cái chết của con họ.
Một đồng nghiệp khác từng làm việc dưới sự giám sát của tiến sĩ Shaffer tại ĐH Columbia trong 10 năm nói thêm với The New York Times rằng ông "thực sự bị thu hút bởi việc nghiên cứu về loại bi kịch bi thương nhất".
Tiến sĩ Daniel Pine, trưởng nhóm cảm xúc và phát triển tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Mỹ), cho biết: "Ông ấy là thực sự một người nhiệt huyết và bi kịch không khiến ông ấy quay lưng lại với những người khác. Kiểu người mà người ta hay gọi là tự đâm đầu vào nguy hiểm".
Nơi đầu tiên David Shaffer được đào tạo là Anh, tại Bệnh viện nhi đồng Great Ormond Street và Bệnh viện Maudsley. Bà Anna Wintour, người vợ cũ thứ hai cũng là người đã bên cạnh ông đến những ngày cuối đời, chia sẻ ông có "tính cách lập dị và các giá trị sống kiểu Anh" cũng như "không tuân theo bất kỳ quy tắc truyền thống nào của cuộc sống".
Cũng chính trong giai đoạn sống ở Anh, ông bắt đầu làm việc với tiến sĩ Michael Rutter, người tiên phong về chuyên khoa tâm thần trẻ em. Ông coi việc tự tử là một cơ hội chưa được khai thác, một lĩnh vực mà khoa học chưa ngó ngàng gì đến và cần có một ai đó nên bắt đầu để tâm đến nó.
Khi ông chuyển đến Hoa Kỳ vào những năm 1970, ngành tâm thần học Hoa Kỳ bị chi phối bởi mô hình phân tâm học, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của chính ông. Con trai ông cho biết mỗi phát hiện nghiên cứu mới về vấn đề tự tử "củng cố mong muốn của ông là muốn đẩy lùi sự kiểm soát của các nhà phân tâm học đối với tâm thần học vào thời điểm đó".
Xem thêm: mth.81982027081113202-uuc-pac-os-nac-gnuc-naht-hnit-not-gnouht/nv.ertiout