Liên tục tụt hạng
Trung Quốc đại lục đã tụt 20 bậc trong bảng xếp hạng quốc tế về kỹ năng tiếng Anh trong năm nay – mất vị trí vào tay các đối thủ cạnh tranh kinh tế trên khắp châu Á – nhưng các nhà phân tích cho biết ngôn ngữ này vẫn đang được sử dụng với số lượng và mức độ đủ cao để duy trì thương mại và đầu tư nước ngoài.
Chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2023 của công ty đào tạo ngôn ngữ quốc tế EF Education First đã xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 82 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ – và thứ 14 trong số 23 nền kinh tế châu Á – theo kết quả Kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn của tổ chức này. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 58, hơn Trung Quốc 24 bậc.
Được biết, Trung Quốc xếp thứ 62 vào năm 2022, thứ 49 vào năm 2021 và thứ 38 vào năm 2020. Đây được cho là hậu quả của mối quan hệ kém thân thiện hơn với phương Tây.
Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết, chỉ số này lao dốc có thể đồng nghĩa với việc ít công dân ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới quan tâm đến ngôn ngữ này.
Nhưng ông nói thêm rằng xu hướng này không có nghĩa là tiếng Anh sẽ không được sử dụng đối với những người cần nó trong thương mại, đầu tư hoặc du lịch.
“Đối với công việc thực tế, tiếng Anh vẫn rất quan trọng”, ông Peng cho biết. “Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bạn vẫn cần nó để thảo luận về đơn hàng, hợp đồng”.
Mặc dù tiếng Anh vẫn là một môn học trong hệ thống giáo dục bắt buộc nhưng các trường học đã cắt giảm thời gian dạy môn này. Du học không còn là con đường chắc chắn dẫn đến thành công ở Trung Quốc.
Chính quyền địa phương đã thực hiện những cải cách sâu rộng với mục đích giảm bớt lượng kiến thức cho sinh viên. Bên cạnh đó, các cuộc tranh luận sôi nổi tại đất nước này về việc liệu có nên tập trung quá nhiều vào chương trình giảng dạy bằng ngôn ngữ phương Tây hay không cũng dẫn tới nhiều thay đổi trong ngành giáo dục Trung Quốc.
Ở những quốc gia khác ở châu Á, Singapore giữ vị trí thứ 2 trong năm thứ 2 liên tiếp. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 87 và Hàn Quốc đứng thứ 49, cả hai đều tụt hạng rõ rệt so với thứ hạng năm 2022. Indonesia tăng 2 bậc lên vị trí thứ 79 và Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 58.
Philippines, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai được sử dụng rộng rãi, đã tăng từ vị trí thứ 22 lên vị trí thứ 20. Trong khi đó, Malaysia vẫn đứng thứ 25 và Thái Lan đứng thứ 101.
Không phải vấn đề lớn
Dexter Roberts, một chuyên gia từng sinh sống tại Bắc Kinh và hiện là giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Mansfield của Đại học Montana, cho biết quan điểm về tiếng Anh có thể cho thấy thái độ của Trung Quốc về Mỹ tại thời điểm quan hệ căng thẳng.
Theo công ty internet Trung Quốc Baidu, hiện nay có khoảng 10 triệu người ở đại lục nói “thông thạo” tiếng Anh. Trẻ em tiếp tục học ngôn ngữ này ở trường tiểu học, và người lớn tự nguyện học ngôn ngữ này để đi du học hoặc làm việc ở các công ty nước ngoài. Nukila Evanty, thành viên ban cố vấn của viện nghiên cứu Trung tâm Châu Á có trụ sở tại Jakarta cho biết, ở Indonesia, dân số trẻ ngày càng tăng mong muốn đi du học với nhiều học bổng sẵn có và làm việc trong lĩnh vực thương mại nước ngoài.
“Trong Tổ chức Thương mại Thế giới, bạn sẽ cần vận động cho các thỏa thuận thương mại và điều đó cần có kỹ năng tiếng Anh, không chỉ là cấu trúc ngôn ngữ mà còn cả về nội dung,” Evanty nói, trích dẫn một ví dụ về lợi thế cạnh tranh của kỹ năng này.
EF Education First cho rằng khả năng tiếng Anh của các nước châu Á trong 4 năm qua là nguyên nhân khiến số lượng sinh viên Đông Á theo học tại các trường đại học Mỹ giảm từ năm 2020 đến năm 2023 – một phần cũng do đại dịch hạn chế việc đi lại. “Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh giảm sút có thể là dấu hiệu của những thay đổi về chính trị và nhân khẩu học trên phạm vi rộng hơn, cũng như sự tự tin ngày càng tăng khi của Trung Quốc trong giáo dục”, báo cáo cho biết thêm.
Ker Gibbs, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, cho biết khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh vẫn còn phổ biến ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Theo những gì ông nhớ lại, các thành viên trong phòng chưa bao giờ phàn nàn về trình độ tiếng Anh.
Các quan chức Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài trong năm nay trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 5,1% trong 8 tháng đầu năm, cho thấy vẫn còn một chặng đường dài để thực hiện mục tiêu này.
Tham khảo SCMP
Xem thêm: nhc.726051190621132881-hna-gneit-nahc-couq-gnurt-iougn-a-man-gnod-aig-couq-taol-tom-uas-pex/nv.fefac