Theo báo Công thương, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta đã chính thức gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD tính đến nay. Cụ thể trong tháng 10/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 117 triệu USD, tăng mạnh 15% so với tháng trước đó.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm, mặt hàng này đã mang về cho Việt Nam 1,01 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 8 trong số 11 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương tính đến hết tháng 10.
Về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu với kim ngạch liên tục tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể trong tháng 10, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 60,4 triệu USD, tăng 31,4% so với tháng trước đó.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường tỷ dân thu về hơn 496 triệu USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 1 nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu của nhóm hàng này là Campuchia. Trong 10 tháng đầu năm, Campuchia đã chi hơn 143 triệu USD để nhập khẩu, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Malaysia xếp thứ 3 với hơn 99 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,1 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm 2021.
Theo Kinh tế Chứng khoán, thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới, đồng thời đây cũng là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. Số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 đạt 55,41 triệu tấn, so với năm 2021 đã tăng 4,6%, đồng thời đây là mức cao nhất kể từ năm 2014.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo Triển vọng nông sản Alltech năm 2023 cho thấy, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2022 đạt 26,72 triệu tấn và đứng thứ 8 trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu với các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến việc phụ thuộc vào thị trường nông sản thế giới. Tính trung bình hàng năm, Việt Nam nhập khẩu 20 – 22 tấn nguyên liệu, trong đó ngô chiếm khoảng 50% còn lúa mì chiếm lại khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên.
Thời điểm hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm so với hồi đầu năm đã giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn duy trì mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 cũng như năm 2022. Theo dự báo, giá nguyên liệu từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024 vẫn có xu hướng tiếp tục giảm.
Bộ NN&PTNT thông tin, trong 10 tháng của năm 2023, cả nước nhập khẩu hơn 4,27 tỷ USD hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,21 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 19,1%, đạt 816,21 triệu USD; tiếp đến là thị trường Mỹ chiếm 14,1%, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 603,7 triệu USD...
Bộ NN&PTNT cho rằng, mặc dù nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu có xu hướng giảm ở nhiều thị trường, song đây vẫn là con số lớn. Các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục chủ động nguồn nguyên liệu chế biến và thức ăn gia súc để bảo đảm chăn nuôi trong nước, giảm giá thành sản phẩm.
Hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, khiến người chăn nuôi không có lãi và nhiều nhà máy sản xuất rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương rà soát vùng trồng nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, đồng thời bổ sung giải pháp để dần dần chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm giá thành trong chăn nuôi.
Đào Vũ (T/h)