Bước vào một thư viện đặc biệt, Giáo sư Steffensen cẩn trọng lựa chọn những tấm lõi băng. Tưởng chừng chỉ như những khối băng đá, nhưng đây là những lõi băng đã có lịch sử cả chục nghìn năm tuổi, nơi lưu trữ những thông tin khí hậu quý giá thời tiền sử.
Giáo sư Jorgen Peder Steffensen - Nhà nghiên cứu lõi băng, Viện Niels Bohr, Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết: "Những gì chúng tôi có trong kho lưu trữ này là khí hậu thời tiền sử. Và từ đó, chúng tôi có hồ sơ về hoạt động của con người trong 10.000 năm qua".
Là một trong các kho lưu trữ lớn nhất thế giới về băng, thư viện đặc biệt này có tới 40 nghìn khối băng xếp chồng lên nhau trên các dãy kệ dài đựng trong các hộp lớn. Kho lưu trữ lõi băng chứa tới 25 km băng được thu thập chủ yếu từ Greenland, đang giúp các nhà khoa học hiểu rõ những thay đổi của khí hậu. Các mẫu này là duy nhất, được tạo thành từ tuyết nén chứ không phải nước đóng băng.
Theo các nhà nghiên cứu, lõi băng là cách duy nhất để xác định trạng thái của khí quyển trước khi xảy ra ô nhiễm do con người tạo ra.
"Chúng ta có thể trích xuất các mẫu không khí trong khí quyển Trái đất từ 30, 50 và 100 nghìn năm trước. Vì vậy, với lõi băng, chúng tôi đã vạch ra được các khí nhà kính carbon dioxide và metan thay đổi như thế nào theo thời gian. Và chúng tôi cũng có thể thấy tác động về việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong thời hiện đại. Lõi băng là nguồn kiến thức trực tiếp duy nhất về bầu khí quyển trong quá khứ trước khi bị ô nhiễm, chúng rất cần thiết cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về biến đổi khí hậu", Giáo sư Jorgen Peder Steffensen nhấn mạnh.
Thư viện này cũng có những phòng chờ tương tự như các phòng đọc của các thư viện khác, chỉ có điều nhiệt độ ở phòng chờ này sẽ được giữ ở mức -18 độ C, vẫn thấp hơn mức -30 độ C trong các phòng bảo quản. Và tại đây, các nhà khoa học có thể kiểm tra, nghiên cứu các khối băng.
"Đây là điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện, sử dụng lõi băng làm mẫu vì chúng không có sự gián đoạn, chúng hiển thị mọi thứ. Với việc này, chúng tôi hy vọng rằng có thể góp phần hiểu rõ hơn về sự thay đổi mực nước biển trong tương lai", Giáo sư Jorgen Peder Steffensen nói.
Các nhà khoa học hy vọng, với những nghiên cứu hiện tại từ lõi băng, họ có thể dự đoán được mức nước biển dâng trong 100 năm tới ở mức sai số 15cm – một bước tiến lớn so với sai số 70cm ngày nay. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi thế giới bảo tồn "kho báu" lõi băng này và đảm bảo rằng nó sẽ trở thành di sản của nhân loại.
Xem thêm: nhc.741652271621132881-gnab-iol-ev-ioig-eht-tahn-nol-urt-uul-ohk-ahp-mahk/nv.fefac