Chiều 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ hai với chủ đề Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, các đại biểu quan tâm đến việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của Vùng Đông Nam Bộ.
Cần được đặt lại cho đúng vị thế
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng phải chọn kịch bản phát triển cao đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam hay Vùng Đông Nam Bộ. Do đó, cần rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự tăng trưởng, phát triển theo kịch bản cao.
Theo ông Mãi, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế mà quốc gia phải đầu tư vào. Thậm chí giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30-50% nguồn lực quốc gia thì mới có được một đầu tàu và phát triển bứt tốc trong thời gian tới.
“Từ đây đến năm 2030 chúng ta có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau đó phải tăng trưởng hai con số và phải bền vững trong 10-20 năm sau”– ông Mãi nhấn mạnh và cho rằng không cần đặt lại vấn đề cơ chế vùng nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho Vùng.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng cần mạnh dạn xác định vùng Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp - dịch vụ; lan tỏa ra các vùng khác và cả nước, đồng thời tiếp nhận từ khu vực và thế giới.
Trên tinh thần đó, tứ giác TP.HCM – Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu cần được đặt lại cho đúng vị thế của một tứ giác năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và năng động tầm châu Á - thế giới sau đó. "Dĩ nhiên đi cùng với đó là sự đầu tư cơ chế, chính sách, nguồn lực" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
‘Cởi trói’ bằng cơ chế để tăng trưởng vùng
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhìn nhận quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ chỉ mang tính “bình bình” trong khi đó quy hoạch phải có tầm nhìn, cách tiếp cận khác.
Theo TS Tự Anh, Vùng Đông Nam Bộ có cực tăng trưởng quan trọng nhất cả nước nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của vùng thấp hơn mức trung bình cả nước.
“Đây là sự thất bại chung của cả nước chứ không chỉ riêng Đông Nam Bộ” - TS Tự Anh nói và cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là làm thay đổi tốc trưởng tăng trưởng của vùng, để vùng thực sự là đầu tàu tăng trưởng kéo theo cũng như dẫn dắt nền kinh tế cả nước.
Trên tinh thần đó, ông cho rằng cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng của Vùng. Trong đó, cơ sở hạ tầng, đô thị cần kết nối liên vùng, kết nối quốc tế thông qua cảng trung chuyển, sân bay quốc tế. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ mới như Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sức sống mới cho nền kinh tế.
TS Tự Anh khẳng định nếu chậm trễ việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM thì cơ hội mở ra cho TP.HCM và Việt Nam sẽ bị khép lại.
Về quy hoạch Vùng, ông nhận định TP.HCM là lõi của khu vực trung tâm, có nghĩa cần đảm bảo quy hoạch TP.HCM có tính kết nối, tạo ra sự thống nhất cao để khi quy hoạch TP.HCM thì quy hoạch Vùng cũng có cơ sở thành công.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu đặt kỳ vọng phát triển Vùng theo kịch bản cao như Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thì cần đảm bảo điều kiện về tài chính, thể chế, do đó cần "cởi trói" bằng cơ chế đặc thù.
TS Tự Anh nhấn mạnh việc lập quy hoạch đã khó, thực thi quy hoạch khó hơn gấp nhiều lần do những đòi hỏi nguồn lực đầu tư, cơ chế, quản trị kết nối vùng... Tuy nhiên ba điều kiện này chưa được hội tụ đủ để đưa Vùng Đông Nam Bộ đi đến quỹ đạo tăng trưởng cao.
Ông mong Thủ tướng, bộ, ngành huy động nguồn lực, cơ chế để có phương thức triển khai, thực thi hiệu quả, để quy hoạch vùng đi vào thực tế, giúp Vùng Đông Nam Bộ cất cánh.
Quy hoạch phải thoát ra tư duy cũ, cơ chế xin - cho
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ phải thoát ra được những tư duy cũ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cho cả vùng, trong đó phải thoát ra được cơ chế xin - cho.
Theo ông Ngọc, việc phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, cần đánh giá lại hạ tầng giao thông hiện có và đang triển khai từ đây tới năm 2030 đã đồng bộ, hiệu quả chưa hay cần có thêm hạ tầng giao thông khác nữa.
Từ đó, mới định hình ra các tiềm năng về đô thị, công nghiệp, tránh các xung đột trong quá trình phát triển về quy hoạch chung cùng lúc, tránh sự chồng chéo. Đây cũng là cơ sở mở đường cho các quy hoạch khác.
Quy hoạch thành vùng chủ công logistic quốc tế
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đồng tình với Chủ tịch TP.HCM về mục tiêu phát triển vùng cần đặt ở kịch bản cao.
Ông cũng đồng tình với việc xây dựng ba tiểu vùng trung tâm nhưng cần có vùng động lực phát triển chủ đạo. Trong quy hoạch đô thị nông thôn, cần có sự phân công chặt chẽ công việc, tính tới chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch - văn hoá ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Đồng thời, gắn với công tác cải tạo cảnh quan, tài nguyên - môi trường, thúc đẩy các loại hình phát triển, khai thác hiệu quả quy hoạch sân bay Long Thành, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo Vùng Đông Nam bộ…
Trong GTVT, ông Võ Tấn Đức nêu quan điểm cần đồng bộ phát triển năm phương thức giao thông với mục tiêu thúc đẩy nơi đây thành vùng chủ công của logistic quốc tế.
Cần quy hoạch Vành đai 5 kết nối TP.HCM với các tỉnh
Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị cần quy hoạch Vành đai 5 kết nối TP.HCM cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Cạnh đó là quy hoạch các tuyến đường sắt có một ga liên vận hàng hoá hậu cần để kết nối với các tỉnh với Tây Ninh, qua Campuchia, kết nối ra cảng biển Cần Giờ, sân bay quốc tế Long Thành…
Theo ông Lợi, hiện ga Sóng Thần, Dĩ An với quy mô 60 ha được công nhận là ga liên vận hàng hoá quốc tế duy nhất trong vùng. Bình Dương cũng đã tổ chức chuyến tàu đầu tiên chở hàng qua Trung Quốc. Hiện, tỉnh đang đầu tư quy hoạch khu này lên 200 ha để phát huy vài trò vận chuyển hàng hoá ngành đường sắt
Vì vậy, Bình Dương muốn mở rộng quy mô ga liên vận quốc tế và kiến nghị cần có quy hoạch trung tâm thương mại tự do tại ga Sóng Thần - Dĩ An.
Thủ tướng chủ trì phiên họp lần 2 hội đồng Vùng Đông Nam Bộ
(PLO)- Thủ tướng cho rằng, việc triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng...