Ngoại trưởng Nigeria Yusuf Tuggar nói thêm rằng động thái này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Nigeria nhằm đảm bảo tính đại diện và ảnh hưởng trên trường quốc tế, đồng thời quốc gia Tây Phi này sẵn sàng tham gia bất kỳ liên minh nào có mục tiêu mang tính xây dựng và được xác định rõ ràng.
"Nigeria đã có thể tự quyết định xem đối tác của mình nên là ai và họ nên ở đâu. Liên kết đa chiều là lợi ích tốt nhất của chúng tôi", Bloomberg dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu Nigeria.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đều được mời tham gia BRICS vào tháng 8 và sẽ trở thành thành viên BRICS từ tháng 1/2024.
Ngoại trưởng Nigeria Yusuf Tuggar. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi đó, vào đầu tuần qua, bà Diana Mondino, Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống đắc cử Argentina, tuyên bố rằng nước này không có kế hoạch tham gia BRICS. Bà Mondino nói với Sputnik Brazil rằng hiện không rõ Argentina sẽ được hưởng lợi như thế nào khi gia nhập BRICS, nhưng Chính phủ Argentina sẽ phân tích những lợi thế tiềm năng của khối này.
Bên cạnh đó, Nigeria cũng đang nỗ lực gia nhập G20, tin rằng việc trở thành một phần của BRICS sẽ mang lại cho nước này đòn bẩy kinh tế và chính trị.
Nền kinh tế lớn nhất châu Phi trước đó bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS nhưng vẫn chưa nộp đơn chính thức.
Phó Tổng thống Nigeria Kashim Shettima, người đại diện cho Abuja tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây ở Johannesburg, Nam Phi đã tuyên bố vào tháng 8 rằng chính phủ nước này phải tham khảo ý kiến của Quốc hội và Hội đồng Điều hành Liên bang trước khi đăng ký làm thành viên BRICS.
Xem thêm: nhc.88325391621132881-iot-man-iah-gnort-scirb-pahn-aig-es-airegin/nv.fefac