Tình hình giá gạo trong nước
Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo số liệu trên TTXVN, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: Đài thơm 8 từ 9.200 – 9.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 9.200 – 9.300 đồng/kg; IR 50404 từ 8.700 – 8.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 9.100 – 9.200 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 9.000 – 9.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Với lúa nếp, nếp An Giang khô và nếp Long An khô đều dao động ở mức từ 9.400 – 9.800 đồng/kg. Trong khi đó, trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.500 – 16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Tại Tiền Giang, hiện thương lái đang thu mua lúa tươi của nông dân với giá từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 650 - 655 USD/tấn trong ngày 23/11, không đổi so với một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc bán hàng chậm lại do nguồn cung đang cạn dần. Các nhà xuất khẩu gạo ngần ngại ký hợp đồng mới vì họ không chắc liệu có thể gom đủ gạo từ nông dân hay không.
Báo Điện tử Chính Phủ dẫn nguồn số liệu vừa công bố của hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hơn 7,1 triệu tấn gạo, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2022, vượt kế hoạch đầu năm (6,5 triệu tấn).
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chính thức lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng năm 2023. Đây cũng là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Trước những lợi vốn có, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có số lượng giống lúa năng suất, chất lượng cao (chiếm tới 85 - 90%) đã tạo cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, tạo ra sản lượng lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo. Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT dự kiến, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.
Thông tin thêm trên báo Nhân Dân, theo nhận định của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo vẫn chưa đạt được giá trị gia tăng cao là do Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo, thậm chí là các loại mỹ phẩm từ gạo..., trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.
Xuất khẩu gạo lâu nay luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tác động lớn đến sinh kế và lợi ích của hàng chục triệu nông dân cả nước. Trong thời gian tới, ngành hàng xuất khẩu gạo còn nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm xóa bỏ “điểm nghẽn” trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết để tạo ra bước đột phá mới.
Những con số đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu 332.214 tấn gạo, kim ngạch đạt 219 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Những con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Theo Kinh tế & Đô thị, 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines, Indonesia, Singapore) và Trung Quốc. Trong đó, Philippines tiếp tục dẫn đầu với gần 2,63 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 37,3% về lượng và chiếm 35,7% về kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; Indonesia đứng thứ 2 với gần 1,03 triệu tấn, kim ngạch đạt 554,63 triệu USD, chiếm trên 14% về lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc với 883,967 tấn, kim ngạch 510,63 triệu USD, chiếm gần 13% về lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Đáng chú ý đầu tháng 11/2023, Bộ Công Thương đưa ra con số ước tính năm 2023 Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi của Việt Nam về xuất khẩu gạo.
Với những tín hiệu tích cực gần đây, xuất khẩu gạo trong năm 2023 nhiều khả năng đạt và vượt con số 7,5-8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD mà Bộ Công Thương và các chuyên gia dự báo.
Biến động giá gạo trên thế giới
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục tăng trong tuần qua. Cụ thể, loại gạo này được báo giá ở mức từ 500 - 507 USD/tấn, tăng so với mức từ 493 - 503 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo đi lên ngay cả khi nguồn cung từ vụ mùa mới tiếp tục tăng.
Đặc biệt, tháng trước, Ấn Độ đã gia hạn mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu cho đến tháng 3/2024.
Về giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng lên 600 USD/tấn so với mức từ 570 - 575 USD/tấn trong tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá tiếp tục tăng do nhu cầu cao hơn đối với loại gạo Thái Lan.
Một thương nhân khác cho biết Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn có nhu cầu mua gạo Thái Lan và nguồn cung vẫn có đủ.
Trúc Chi (t/h)