Từ khi xuất hiện dưới dạng xe concept vào đầu thập kỷ này, Tesla Cybertruck đã gây tranh cãi kịch liệt trong làng xe. Thiết kế độc nhất vô nhị của mẫu xe này làm dấy lên lo ngại an toàn cho những người hay phương tiện bị đâm phải. Với quá nhiều góc nhọn bên ngoài xe, lo ngại trên quả thực hoàn toàn có cơ sở.
Thêm vào đó, vào đầu tháng 11 này, Tesla còn chứng minh... khả năng chống đạn cho Cybertruck. Trên thực tế, phép thử trên không chứng minh độ an toàn của phương tiện, mà chỉ chứng minh vỏ xe chắc - yếu tố không hẳn đã tốt.
Tesla Cybertruck thể hiện khả năng chống đạn
Trên ô tô, các vùng hấp thụ xung lực (crumple zone) được bố trí để phân tán lực tác động lên xe trong trường hợp xảy ra va chạm. Để làm được điều đó, thân xe cần được thiết kế đặc biệt để vỡ ra, hoặc gập gọn mà không tác động tới hành khách trong xe. Khi đó, lực truyền tới cabin và hành khách sẽ được tản ra ngoài, và do đó hạ xuống thấp nhất có thể.
Tuy nhiên, với Tesla Cybertruck, không ai có thể nói trước các vùng hấp thụ xung lực có được phát triển đúng cách hay không. Thân xe quá chắc chắn và không/ít biến dạng khi gặp va chạm khiến lực tác động tiếp tục truyền thẳng vào cabin và tới hành khách ngồi trong.
Với người hay xe bị Tesla Cybertruck đâm phải, mọi chuyện cũng tồi tệ không kém. Kích thước và trọng lượng khổng lồ của mẫu bán tải điện cỡ lớn cùng thiết kế đầy góc nhọn nói trên là cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi xe di chuyển ở tốc độ cao. Với thân xe làm từ thép dày 3mm, khó có hành khách nào va phải xe ngay cả ở tốc độ thấp mà có thể lành lặn.
Cuối cùng, chất lượng chế tạo xe Tesla chưa bao giờ cao. Với một mẫu xe có thiết kế đặc biệt như Cybertruck, yếu tố này càng nguy hiểm hơn nữa. Sai lệch trong cấu trúc gây ảnh hưởng rất lớn tới độ an toàn xe mang lại. Trên bản tiền thành phẩm hãng mang đi biểu diễn cho người dùng xem vào đầu tháng 11 này, chất lượng chiếc bán tải điện khó lòng có thể nói là... trung bình, chứ đừng nói là tốt.
Tesla Cybertruck bằng gỗ của nhóm thợ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của tỉ phú Elon Musk.