Sáng 27-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dành các hoạt động đầu tiên cho những người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.
Doanh nghiệp Nhật Bản có niềm tin với Việt Nam
Báo cáo Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết các giới, chính đảng của Nhật đều rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Đây là giai đoạn quan hệ hai nước tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Việt Nam - Nhật Bản là hai nền kinh tế có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở nhu cầu và tiềm năng, đặc thù của mỗi bên. Thời gian qua, đại sứ quán đã tập trung nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là kết nối hợp tác các địa phương.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết điều đáng mừng là niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với môi trường đầu tư Việt Nam là rất lớn.
Các lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và có thể hợp tác theo hướng cùng nghiên cứu, cùng phát triển.
Đại sứ cho biết lực lượng trí thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng tăng, tích cực đóng góp cho sở tại và đều mong muốn cống hiến cho quê hương, đất nước, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Hiện nay, Nhật Bản có nhu cầu lớn về lao động và hợp tác tích cực với Việt Nam trong lĩnh vực này. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh thời gian qua, hiện có khoảng 520.000 người, đại sứ quán nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân.
Thúc đẩy ODA, đưa Việt Nam thành cứ điểm chuỗi sản xuất của Nhật Bản
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có chiều sâu chính trị rất cao.
Ông cho biết các nhà lãnh đạo hai nước đều mong muốn nâng tầm quan hệ hai nước, vì tương lai phát triển bền vững của hai đất nước và lợi ích của nhân dân.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị đại sứ quán thực hiện tốt các chủ trương, thỏa thuận giữa hai nước, trong đó có những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này.
Đặc biệt, người đứng đầu Nhà nước yêu cầu đại sứ quán tiếp tục thúc đẩy để Việt Nam tham gia sâu hơn, trở thành "cứ điểm" trong chuỗi sản xuất của Nhật Bản.
Song song đó, cần thúc đẩy Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác.
Chủ tịch nước cũng đề nghị đại sứ quán thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là phát huy vai trò của gần 100 cặp địa phương thiết lập quan hệ hợp tác và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân.
Trí thức Việt Nam đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt - Nhật
Cũng trong sáng 27-11, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với các nhà khoa học, trí thức, các giới đại diện cho các thế hệ người Việt có nhiều đóng góp và vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Giáo sư Trần Văn Thọ - giáo sư danh dự Đại học Waseda - cho biết người Nhật Bản rất yêu mến, tin tưởng tiềm năng con người, hợp tác với Việt Nam và mong muốn sau chuyến thăm này của Chủ tịch nước, tương lai quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước thu nhập cao, giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu này. Trong đó nhất là hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo cũng như nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, năng lực của doanh nghiệp.
Phó giáo sư Hồ Anh Văn - Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - cho biết tại Nhật Bản hiện nay có trên 40 giáo sư và phó giáo sư người Việt công tác tại các trường đại học.
Ông mong muốn có nhiều thêm sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản học tập và các chuyên gia người Việt tại đây sẽ nỗ lực để tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Chia sẻ tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng và tự hào về những thành tựu mà các trí thức, đại diện các giới tiêu biểu người Việt tại Nhật Bản đã đóng góp cho nước sở tại cũng như vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Ông đồng thời cho rằng những thành công đó có được nhờ tinh thần, ý chí và nghị lực bền bỉ trong bối cảnh sinh sống, học tập xa quê hương, đất nước và gặp không ít khó khăn.
Những đóng góp của các trí thức tiêu biểu người Việt đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và tăng cường mối quan hệ song phương hai nước.
Chủ tịch nước khẳng định những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới đất nước cũng như kết quả tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm vừa qua có sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là các trí thức người Việt.
Huy động trí tuệ Việt Nam tại Nhật Bản
Nhắc đến mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Chủ tịch nước cho rằng để đạt mục tiêu đó cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người Việt Nam trên toàn cầu, trong đó có các trí thức người Việt tại Nhật Bản.
Nhấn mạnh truyền thống của dân tộc, người đứng đầu Nhà nước nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn coi trọng người tài, trí thức, coi đây là lực lượng then chốt, có ý nghĩa quyết định để đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Ông hoan nghênh các nhà khoa học đầu ngành người Việt tại các đại học Nhật Bản đã đào tạo nghiên cứu sinh, kết nối học bổng cho sinh viên Việt Nam, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Chủ tịch nước tán thành với quan điểm cho rằng "người Việt Nam tại Nhật coi Nhật Bản là nhà, Việt Nam là quê hương", tiếp tục nỗ lực, cố gắng cống hiến cho cộng đồng sở tại và quan hệ hai nước.
Với các bạn trẻ người Việt tại Nhật Bản, ông mong muốn có sự tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực công tác.
Đặc biệt, cần tạo dựng được niềm tin yêu của người Nhật, khẳng định được năng lực, trình độ, phẩm chất của người Việt Nam tại Nhật. Bởi theo ông, đó là nền tảng chắc chắn nhất để duy trì và thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Ngày 26-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên từ ngày 27 đến 30-11.