Một doanh nghiệp đăng ký thuế tại tỉnh Bình Phước giao dịch mua bán heo với nhiều hộ kinh doanh cá thể ở nhiều tỉnh thành. Gía trị giao dịch lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng cơ quan thuế tại các địa phương không thu được đúng mức thuế của các hộ này.
Cục Thuế tỉnh Bình Phước, cơ quan phát đi cảnh báo rủi ro thuế với 5 hộ kinh doanh cá thể tại các địa phương Đồng Nai, Bình Dương.
Những hộ kinh doanh giao dịch hàng trăm tỷ…
Giữa tháng 5/2023, Cục Thuế tỉnh Bình Phước bất ngờ phát đi một thông báo gửi đến 5 chi cục thuế thuộc 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cảnh báo rủi ro thuế đối với 5 hộ kinh doanh cá thể có giao dịch với một doanh nghiệp đăng ký thuế trên địa bàn tỉnh này. Giá trị giao dịch với mỗi hộ từ hàng chục đến gần 1.000 tỷ đồng thông qua việc môi giới mua heo giết mổ. Thế nhưng, tiền thuế khoán trên doanh thu lại thấp hơn hàng trăm lần so với giá trị giao dịch thực tế, thậm chí, không thu được thuế.
Theo đó, tại Chi Cục thuế Xuân Lộc (Đồng Nai), có một trường hợp cá nhân là ông V.H.O. Trong năm 2021, ông O. và công ty TNHH Nông nghiệp Làng Sen (đăng ký mã số thuế tại tỉnh Bình Phước) có kết nối mua bán heo hơi với tổng giá trị giao dịch 407 tỷ đồng. Qua làm việc với cơ quan thuế, ông O. cho biết chỉ là cá nhân môi giới mua bán heo hơi, từng nhận 749 triệu tiền hoa hồng nhưng cá nhân lại không biết việc công ty Làng Sen xuất hóa đơn cho mình lên đến 407 tỷ đồng.
Tại Chi cục Thuế Long Thành - Nhơn Trạch, cơ quan này cũng rà soát một trường hợp được Bình Phước cảnh báo thuế, nhưng không thống kê được số lượng và giá trị giao dịch của cá nhân này nên không xác minh xử lý được cá nhân có nghĩa vụ thuế.
Tương tư, tại Bình Dương, Chi cục thuế huyện Bàu Bàng qua rà soát phát hiện một hộ kinh doanh khoán thuế 3 tỷ/năm, nhưng chỉ riêng ngành nghề kinh doanh môi giới heo thịt quý 1/2021 của hộ đã hơn 13 tỷ đồng. Tại Chi cục thuế huyện Bến cát, một hộ kinh doanh khoán thuế cũng có giao dịch mua bán heo hơi với Công ty Làng Sen lên đến 11 tỷ đồng năm 2021.
Trong số những hộ kinh doanh giao dịch này, có trường hộ kinh doanh đăng ký thuế tại Chi cục thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, qua rà soát phát hiện trong năm 2021, cơ sở có phát sinh giao dịch mua bán heo hơi với Công ty Làng Sen lên đến 950 tỷ đồng, có ký kết hợp đồng, có xuất hóa đơn nhưng… "không biết nghĩa vụ thuế". Sau khi được cảnh báo thuế, ông Trần Văn H. chủ cơ sở giết mổ cho biết trong tường trình không biết việc công ty Làng Sen xuất hóa đơn cho mình lên đến 950 tỷ đồng và ‘tưởng nghĩa vụ thuế do công ty Làng Sen đóng’.
Tất cả những trường hợp này đều rơi vào cảnh báo thuế vì hiện tại mức thu khoán thấp hơn doanh thu thực tế từ hàng chục đến hàng trăm lần. Cho tới hiện tại, 5 chi cục thuế ở hai địa phương được cơ quan thuế tỉnh Bình Phước phát thông báo cảnh báo rủi ro thuế vẫn loay hoay chưa biết xử lý truy thu thuế, xử lý nghĩa vụ thuế như thế nào đối với các trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh nêu trên.
Có hay không thất thu thuế?
Việc cảnh báo thuế đã được phát đi từ tháng 5/2023, tuy nhiên đến hiện tại, một số cơ quan thuế vẫn chưa có hướng xử lý. Trao đổi với các chi cục thuế nhận được cảnh báo, các cơ quan thuế này đến nay mới chỉ mời các cá nhân nằm trong diện cảnh báo lên làm việc và thông báo về nghĩa vụ thuế.
Theo Luật Quản lý thuế, các hộ kinh doanh cá thể không phải nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp, họ được áp dụng mức thuế khoán 1,5%/năm dựa trên doanh thu kỳ trước. (Bao gồm 1% Thuế VAT và 0.5% Thuế thu nhập cá nhân).
Tuy nhiên, qua cảnh báo thuế được phát đến nhiều đơn vị, con số giao dịch của các hộ kinh doanh cá nhân lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm mà việc thu thuế khoán mức 1,5% dựa trên doanh thu kỳ trước, trong khi năm trước đó (trước năm 2021), đa số các hộ kinh doanh này chưa khai thuế, hoặc doanh thu rất thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc thu thuế trong kỳ tiếp theo (năm 2022) đã không thống kê được giao dịch phát sinh lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng ở những hộ kinh doanh cá thể này.
Với một phép tính đơn cử tại cơ sở kinh doanh giết mổ gia cầm ở TP Biên Hòa thuộc cơ quan quản lý thuế Biên Hòa - Vĩnh Cửu: Giao dịch phát sinh lên đến 950 tỷ đồng/năm dựa trên hóa đơn, cơ quan thuế áp dụng mức khoán 1,5% theo luật định, tức doanh nghiệp này phải đóng mức thuế khoán hơn 14 tỷ đồng/năm. Nhưng thực tế, cơ quan thuế không theo dõi được doanh thu phát sinh trên doanh thu khoán thuế, do đó, mức khoán thuế kỳ sau đã không dựa trên doanh thu thực tế 950 tỷ đồng. Như vậy, có hay không việc thất thu cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng thuế từ việc quản lý thuế của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ?
Theo một cán bộ trong ngành thuế, nếu dựa trên quy định hiện hành để áp thuế hộ kinh doanh cá thể thì còn nhiều bất cập dẫn đến lỗ hổng thất thu. Cụ thể, cơ quan quản lý thuế chưa nắm bắt được cụ thể tình hình kinh doanh của hộ cá thể để áp dụng thuế khoán đúng. Tỷ lệ áp dụng khoán thuế hiện hành dựa trên kết quả kinh doanh kỳ trước, trong khi cơ quan thuế chưa nắm bắt được các giao dịch phát sinh trong kỳ để khoán thuế đúng thực tế, đẫn đến rủi ro thất thu cao trong ngành.
Thêm vào đó, việc quản lý người nộp thuế đăng ký mã số thuế một nơi nhưng hoạt động trên nhiều địa bàn hiện nay còn bất cập, lỏng lẻo dẫn đến lỗ hổng thất thu. Đơn cử như cơ sở giết mổ tại Biên Hòa nêu trên, dù đăng ký thuế tại TP Biên Hòa, song không thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh tại nơi đăng ký, các giao dịch phát sinh nghĩa vụ thuế đều thực hiện ở nơi khác, khiến cơ quan quản lý thuế khó kiểm soát giao dịch, doanh thu phát sinh ngoài nghĩa vụ thuế đã khoán.
Với những giao dịch hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được cảnh báo ở trên, hiện tại, chưa có đơn vị nào xác nhận có hay không thất thoát thu thuế từ những hộ kinh doanh cá này. Và nếu có, cơ quan nào chịu trách nhiệm truy thu, truy thu như thế nào với những giao dịch hàng trăm tỷ qua các hộ kinh doanh cá nhân như thế này?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37280737172113202-eht-ac-hnaod-hnik-oh-yl-nauq-ohk-ceiv-ut-euht-uht-taht-or-iur/et-hnik/nv.vtv