Dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Quảng Trị cách đây một tháng. Đến nay, dịch diễn biến phức tạp, ngày càng lan rộng.
Dịch cận Tết Nguyên đán, người dân lo lắng
Bà Phan Thị Trúc ở xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) có 2 trang trại heo với 150 con. Nghe tin dịch tả heo xuất hiện ở Quảng Trị, bà Trúc phòng bị kỹ lưỡng cho trại heo, phun sát trùng hằng ngày, khử khuẩn và hạn chế người ra vào trang trại. Dù vậy, dịch vẫn xâm nhập khiến 36 con heo tầm 40kg/con bị chết, thiệt hại 80 triệu đồng.
"Heo chết, dịch lại cận Tết Nguyên đán nên người nuôi thiệt hại đủ đường", bà Trúc nói.
Riêng tại huyện Triệu Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Thành Công cho hay dịch xảy ra ở 217 hộ, 56 thôn với 1.400 con heo, 46 tấn bị tiêu hủy.
"Từ một xã (Triệu Tài) lây bệnh đầu tiên, đến nay 18 xã, thị trấn có dịch", ông Công nói.
Dịch diễn tiến phức tạp, lây lan nhanh do chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, ít áp dụng biện pháp an toàn sinh học, trong khi dịch lây qua nhiều đường, vi rút có sức đề kháng cao, thời tiết giao mùa.
"Cộng với đó là sự chủ quan của nông dân, mua bán giết mổ heo bệnh, vất gia súc chết ra môi trường. Người dân có tâm lý không được hỗ trợ nên bán tháo, bán chạy", ông Công thông tin.
Xác định dịch kéo dài đến Tết Nguyên đán sẽ gây khó khăn kinh tế cho nông dân, huyện Triệu Phong ban hành kế hoạch tiêu độc khử trùng toàn huyện, thành lập tổ phòng chống dịch cấp huyện, đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ 4.000 lít hóa chất.
"Huyện tập trung bao vây, không để lây lan điểm dịch mới, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ", ông Vũ Thành Công nói.
Thiếu hóa chất, vắc xin chống dịch
Ông Nguyễn Phú Quốc - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay Quảng Trị đang thiếu hóa chất, kinh phí và vắc xin để chống dịch tả heo châu Phi. Ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến xin trung ương hỗ trợ 15.000 lít hóa chất, tương đương 2 tỉ đồng vì vượt khả năng của tỉnh.
Theo ông Quốc, bệnh này đã có vắc xin tiêm phòng, nhưng chưa đưa vào danh mục bắt buộc tiêm vắc xin nên không thể bố trí ngân sách để tiêm. Ngành đang đề xuất tiêm vắc xin theo diện xã hội hóa và tự nguyện.
Ông Nguyễn Trung Hậu - giám đốc Chi cục Chăn nuôi và Thú y - cho hay việc tiêm vắc xin phòng bệnh cũng rất nan giải.
"Tiêm phòng yêu cầu heo thịt phải khỏe mạnh. Trong điều kiện hiện nay, heo có thể đã mang vi rút bệnh nhưng biểu hiện bình thường, tiêm vào chết thì giải quyết thế nào. Đây là vấn đề bất cập, rất khó giải thích để dân hiểu. Tiêm phòng với điều kiện rà soát heo khỏe mạnh, người dân cam kết có sự cố sau tiêm không kiện cáo", ông Hậu nêu.
Ngoài chống dịch, ông Quốc kêu gọi người dân không hoang mang, quay lưng với thịt heo. "Heo khỏe mạnh, âm tính vẫn có thể tiêu thụ, qua xử lý nhiệt không ảnh hưởng sức khỏe con người", ông Quốc nói.
Toàn xã Xuân Đông có 15 ổ dịch, với tổng đàn heo khoảng 6.500 con, đến nay có hơn 247 con heo bệnh tả heo châu Phi trong tổng đàn trên 840 con. Đã có hơn 300 con heo bị tiêu hủy, với trọng lượng hơn 16 tấn.