Ông Xerxes Trinidad, người phát ngôn quân đội Philippines, cho biết theo báo cáo nhận được, hai chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay quanh chiếc A-29B Super Tucano ở biển Tây Philippines.
Biển Tây Philippines là thuật ngữ Manila dùng để chỉ các vùng biển ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Ông Trinidad nói thêm máy bay Trung Quốc vẫn tiếp tục lộ trình bay và không xảy ra sự cố gì.
Trước lời tố từ Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27-11 nói họ "không nắm tình hình".
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc bị đe dọa hoặc thách thức, Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng cứng rắn", văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi thông điệp bằng fax cho Hãng tin Reuters.
Quân đội Philippines và Úc đang tuần tra chung trên không và trên biển trong ngày 27-11, trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vài ngày trước, Philippines tuần tra chung với Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi vận chuyển thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3.000 tỉ USD hằng năm, bao gồm các khu vực được Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Trong đó, Philippines đang tăng cường nỗ lực chống lại "các hoạt động hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn Trung Quốc cáo buộc Philippines tranh thủ "lực lượng nước ngoài" để tuần tra Biển Đông và gây rối.
Tư lệnh Lục quân Philippines Romeo Brawner khẳng định nước này có quyền tuần tra chung với các đồng minh, nhằm thúc đẩy "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Tham gia cuộc tập trận chung có 2 tàu hải quân và 5 máy bay trinh sát của Philippines, cùng tàu khu trục HMAS Toowoomba và máy bay trinh sát hàng hải P8-A của Úc.
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra cùng khoảng thời gian quân đội Philippines và Mỹ tổ chức cuộc tuần tra chung tại vùng biển gần đảo Đài Loan.