Tiền ồ ạt đổ vào ngân hàng
Theo VOV, theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong tháng 9, số dư tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 225.000 tỉ đồng, lên 15,025 triệu tỉ đồng, tăng hơn 5,02% so với cuối năm 2022. Riêng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng khá mạnh, với 217.000 tỉ đồng, lên 6,23 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức nhanh hơn so với dân cư trong những tháng gần đây. Trong tháng 9, tiền gửi của dân cư cũng chỉ tăng 16.000 tỉ đồng, các ngân hàng thu hút hơn 6,449 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong tháng 9 cũng giảm xuống 8,53% từ mức 8,7% của tháng 8.
Đáng nói, dù cả doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang đổ tiền vào gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động vẫn đi xuống khá nhanh. Có hơn 20 ngân hàng như LPBank, DongABank, SCB, Vietcombank… đã tiếp tục giảm thêm lãi suất trong tháng 11. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 2,6 - 4,75%/năm, trong đó rất ít nhà băng áp dụng mức lãi trần huy động cho phép ở 4,75%/năm.
Kỳ hạn 6 tháng thường được các ngân hàng chọn áp dụng lãi suất nhảy vọt huy động vốn trước đây thì nay cũng quanh quẩn ở mức từ 4 - 5,7%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng chỉ ở mức 5 - 6%/năm. So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng hiện nay đã giảm từ 2 - 4%/năm. Trong bảng lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng, mức 6%/năm đã gần như biến mất từ nhiều tháng qua, đặc biệt khối ngân hàng có vốn nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đến cuối tháng 9 là khoảng 5,9%, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái ở mức 7,68%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức thấp nên thanh khoản của các nhà băng vẫn được duy trì.
Thông thường quý 3 hàng năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thường rất mạnh bởi đây là thời điểm "nước rút" cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vốn tăng. Thế nhưng, tín dụng quý 3/2023 cũng chỉ thêm được 2,6%, đây là quý có mức tăng thấp thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây (quý 3/2020, do đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng ở mức 1,7%).
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp hơn đầu năm từ 2 - 3%/năm, vào khoảng 6 - 8%/năm, có những gói tín dụng ngắn hạn còn 4 - 6%/năm. Chẳng hạn, một số ngân hàng tại TP.HCM cho doanh nghiệp lâm thủy sản vay ngắn hạn tiền đồng từ 4 - 6%/năm và lãi suất cho vay ngoại tệ từ 3,5 - 5,5%/năm. Các nhà băng đã giải ngân được 474 tỉ đồng cho 196 khách hàng, trong đó có 149 cá nhân, hộ gia đình và 47 doanh nghiệp.
Lựa chọn giải pháp an toàn
Theo An Ninh Tiền Tệ, theo giới phân tích, nhu cầu gửi tiết kiệm là luôn có bất chấp lãi suất huy động giảm, và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản… bởi khẩu vị rủi ro là khác nhau. Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện khoảng 5,3%- 6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì người gửi tiền vẫn có mức lãi suất thực dương.
Lượng tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục cũng cho thấy người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có thấp nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm.
Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó khăn, lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân và doanh nghiệp là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.
Lãi suất tiền gửi hiện đang ở mức thấp kỷ lục song dòng tiền được dự báo sẽ chưa dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán... sau loạt biến động vừa qua.
Đào Vũ (T/h)