Sự tàn bạo của cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10 đã khiến người Israel bị tổn thương sâu sắc. Chỉ vài ngày sau đó, bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant tuyên bố: “Gaza sẽ không trở lại như trước đây. Hamas sẽ không còn tồn tại. Chúng tôi sẽ loại bỏ mọi thứ”.
Cùng với việc thực thi chiến dịch Những thanh kiếm sắt để trả đũa Hamas, quân đội Israel đã tấn công hơn 15.000 mục tiêu trước khi đạt được lệnh ngừng bắn trong 4 ngày với Hamas, kể từ ngày 24-11.
Điều đáng chú ý, theo tờ The New York Times ngày 26-11, là việc Israel tự do sử dụng các loại vũ khí cực lớn ở các khu đô thị đông đúc, bao gồm cả bom nặng 2.000 pound (hơn 900kg). Loại bom này do Mỹ sản xuất có thể san phẳng một tòa tháp chung cư.
Nó đã gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia khi trong các cuộc chiến ở thế kỷ này, quân đội Mỹ cũng chỉ thường sử dụng loại bom nặng 500 pound. Ngay cả như vậy, các quả bom này được nhìn nhận là quá lớn đối với hầu hết mục tiêu ở đô thị như tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria).
Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 60.000 tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, bao gồm khoảng một nửa số tòa nhà ở phía Bắc Gaza.
Theo Brian Castner - nhà điều tra vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế và cựu sĩ quan xử lý vật liệu nổ trong lực lượng Không quân Mỹ - đó là hệ quả của sự kết hợp tồi tệ nhất các yếu tố: sử dụng vũ khí với uy lực cực lớn ở những khu vực cực kỳ đông dân cư.
Nhưng không chỉ có vậy, hoạt động bắn phá trả đũa còn khiến 80% dân số của dải đất ở Palestine này rơi vào cảnh không nhà không cửa, sống trong các trại tị nạn hay chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Đau lòng hơn, xung đột tới nay đã khiến hơn 14.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra khoảng 10.000 trong số đó là phụ nữ và trẻ em.
Hình ảnh tương phản chưa từng có ở Gaza trước, sau ngày xung đột Israel - Hamas