Theo tôi, nếu chỉ nhìn vào 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ thì không đủ bởi sự giao lưu giữa hai nước đã có từ rất sớm.
Ngày càng thiết thực, hiệu quả
Người Việt Nam đầu tiên đến Nhật Bản và được sử sách nước này ghi lại là nhà sư Phật Triết vào thế kỷ thứ 8.
Có lần khi tôi được yết kiến thân phụ của Nhật hoàng hiện nay, ông đã nhắc lại sự kiện lịch sử ấy và nói rằng những âm nhạc mà nhà sư Phật Triết đem đến vùng Nara của nước Nhật đã ảnh hưởng rất sâu đến nhã nhạc cung đình Nhật Bản.
Đến thế kỷ 16 và 17, khi các thuyền buôn và thương gia Nhật Bản sang Việt Nam, họ đã góp phần tạo nên sự sầm uất của các thương cảng như Hội An, Phố Hiến.
Cũng trong giai đoạn đó, đã có những mối tình giữa hai nước đi vào sử sách và nghệ thuật. Thế kỷ 20 thì có phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, mà nơi ông đến hiện nay là tỉnh Shizuoka vẫn ghi đậm dấu ấn.
Trải qua nhiều thăng trầm, quan hệ hai nước ngày càng thiết thực và hiệu quả, về quan hệ chính trị ngày càng thân thiết. Kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản năm 1994, đến nay đã có 12 lần thủ tướng Nhật sang thăm, trong đó có người thăm nhiều lần.
Nhật Bản bao giờ cũng là nước tạo đột phá cho quan hệ với Việt Nam. Ví dụ như năm 1995, Nhật là nước G7 đầu tiên mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Nhật Bản. Năm 2016, khi là nước chủ nhà G7, Nhật cũng mời lãnh đạo Việt Nam tham dự.
Đây là lần đầu tiên chúng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7, mở đường cho các lời mời khác.
Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, có năm chiếm trên 30% tổng số ODA của nước ngoài cho nước ta.
Các chính trị gia Nhật Bản quý Việt Nam đến mức độ dù đôi lúc các việc nội bộ của họ rất nhiều thì sự ưu tiên dành cho chúng ta vẫn không thay đổi.
Trong bốn năm tôi làm đại sứ tại Nhật Bản (2008 - 2011), hai bên đã ký được Hiệp định đối tác kinh tế, là hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đầu tiên của Việt Nam, cũng là FTA đầu tiên của Việt Nam với một nước G7 vào năm 2009.
Cũng trong năm đó, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, đưa Nhật Bản thành nước G7 đầu tiên chúng ta có quan hệ ở cấp này.
Tin cậy và bình đẳng
Năm 2014 khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, hai bên cũng có trao đổi với nhau trước về câu chữ. Phía Việt Nam nêu vấn đề tên gọi là Đối tác chiến lược toàn diện, nhưng phía Nhật Bản khi đó cho rằng chữ "toàn diện" vẫn còn chung chung nên đã thống nhất chữ "sâu rộng".
Đến bây giờ, khi chúng ta đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần đây là Mỹ thì tự nhiên nhiều người nghĩ đến câu hỏi thế quan hệ Việt - Nhật thì sao?
Thực tế thì một số nhà ngoại giao Nhật Bản cũng nói có lẽ cũng nên để quan hệ Việt - Nhật có tên gọi tương đồng với các nước khác.
Cá nhân tôi cho rằng cho dù có hay không có thay đổi tên gọi thì mối quan hệ Việt - Nhật hiện nay cũng là một trong những mối quan hệ tốt đẹp, hiệu quả của Việt Nam và ngày càng tốt hơn.
Việc đưa quan hệ lên tầm cao mới không có nghĩa là trước đó hai nước chưa đạt được mức đấy mà phải nâng cấp lên bây giờ. Hơn nữa, việc nâng cấp cũng là xu hướng chung hiện nay.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay là ông Yamada Takio luôn luôn nhấn mạnh khi gặp chúng tôi rằng mối quan hệ song phương này là tin cậy và bình đẳng.
Tính cách của người Nhật là khiêm nhường, luôn tôn trọng người khác và trong quan hệ với Việt Nam thì dù là người giúp chúng ta nhiều hơn, họ luôn luôn coi Việt Nam là đối tác bình đẳng, hai nước đều cần nhau và hỗ trợ nhau.
Mối quan hệ này bổ sung lợi ích cho nhau, không có lợi ích đối kháng. Sự bền chặt của quan hệ song phương phụ thuộc vào lợi ích của hai bên, nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo.
Nhiều lãnh đạo Nhật Bản có tình cảm rất tốt với Việt Nam và để lại những ấn tượng sâu sắc, chẳng hạn như ông Koizumi Junichiro, ông Nikai Toshihiro, ông Takebe Tsutomu hay ông Abe Shinzo và hiện tại là Thủ tướng Kishida Fumio. Đặc biệt là ông Abe trong hai lần làm thủ tướng đều chọn Việt Nam là nơi đi thăm đầu tiên.
Về phía Việt Nam, chúng ta cũng có những lãnh đạo rất được phía bạn tôn trọng cao và dành sự tiếp đón trọng thị.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một người rất sâu sắc, nên tôi tin rằng khi ông đi thăm chính thức Nhật Bản vào thời điểm đặc biệt có ý nghĩa như hiện nay, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo hai bên sẽ ngày càng gắn bó, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước hơn nữa.
Tình cảm của Hoàng gia Nhật
Tình cảm của Hoàng gia Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng rất đặc biệt và quan trọng. Nhật hoàng Naruhito khi còn là hoàng thái tử đã là người rất yêu Việt Nam.
Khi ông và gia đình đến thăm nước ta vào năm 2009, tôi cũng tháp tùng ông ấy, và sau khi trở về, cả gia đình đã nhận lời mời đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vì ấn tượng của họ sau chuyến thăm hết sức tốt đẹp.
Đó cũng là lần duy nhất Hoàng gia Nhật Bản đến thăm một đại sứ quán nước ngoài tại nước này.
Người ta thường nghĩ là một nước có hoàng gia chỉ quan hệ gắn bó với những nước khác cũng có hoàng gia. Nhưng với Việt Nam, một nước theo chế độ khác và không có hoàng gia, họ vẫn dành tình cảm lớn cho chúng ta và đến thăm nhiều lần, cho thấy sự đặc biệt coi trọng.
Tiếp lãnh đạo Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại những kỷ niệm không thể quên khi tham dự các chương trình giao lưu thanh niên hai nước và được đến nhiều địa phương Nhật Bản.