Trên một băng chuyền ở nhà máy tại thành phố Saltillo phía bắc Mexico, Walter Banegas, người tị nạn Honduras, nhanh tay gắp miếng kim loại đang nóng hổi khỏi khuôn đúc. Tới Mỹ khi còn là một thiếu niên để không bị kéo vào các băng đảng ma túy hoành hành nơi quê nhà, Banegas bị trục suất năm 2014. Anh lên kế hoạch xin tị nạn lại vào năm 2020 và tiếp tục bị trục suất.
Chính vì thế, khi chạy khỏi mối đe dọa của các băng đảng ở Honduras một lần nữa năm 2021, Banegas không còn mơ tới Mỹ. Thay vào đó, miền đất hứa mà chàng trai trẻ lựa chọn là Mexico. Anh ta được cấp quy chế tị nạn vào tháng Giêng và với sự hỗ trợ từ chương trình tị nạn của Liên Hợp Quốc, Banegas được chuyển tới Saltillo và làm việc ở Pace Industries – doanh nghiệp đúc kim loại có trụ sở tại Michigan Mỹ với các nhà máy đặt tại Mexico.
Từ lâu vẫn được biết tới trong vai trò quá cảnh cho những người di cư tới Mỹ, 5 năm qua, Mexico lại trở thành điểm đến của một lượng đáng kể người di cư và xu hướng này đang ngày càng tăng. Ngoài việc dễ dàng chấp thuận cho người tị nạn, Mexico còn mở ra cơ hội việc làm dồi dào, nhất là khi doanh nghiệp đang dịch chuyển sản xuất về gần Mỹ còn Mexico luôn thiếu lao động.
Banegas cho biết anh kiếm được khoảng 800 USD/tháng ở Pace Industries – ít hơn số tiền anh nghĩ sẽ kiếm được ở Mỹ - nhưng vẫn đủ để gửi về nhà tối thiểu 50 USD/tháng. Theo lời kể của Banegas, anh rất hòa đồng với các đồng nghiệp người Mexico và anh ấy tự hào khi David, cậu con trai 6 tháng tuổi, là một công dân Mexico.
“Ở đây tôi cảm thấy yên bình. Chẳng nhất thiết phải đến Mỹ. Các bạn có thể vươn lên ở chính nơi đây, Mexico”, Banegas chia sẻ.
Lựa chọn đáng tin cậy
Một thập kỷ trước, chỉ có vài trăm người tị nạn chọn ở lại Mexico mỗi năm. Theo cơ quan tị nạn của Mexico, tính đến năm 2021, con số này tăng lên 27.000 người. Riêng năm nay, Mexico đã phê duyệt cho ít nhất 20.000 trường hợp tị nạn với hầu hết là những người đến từ Honduras, Haiti, El Salvador….
Đại đa số người di cư vào Mexico tiếp tục hướng về phía bắc tới Mỹ, đặt ra những thách thức cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Mỹ đã nhận hơn 700.000 đơn xin nhập cư vào năm ngoái.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan của Liên Hợp Quốc về người di cư tại Mexico, cho biết Mexico đang nổi lên như một lựa chọn “đáng tin cậy” cho người di cư bởi nhiều yếu tố, trong đó có cơ hội việc làm rộng mở.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Mexico (Coparmex), nước này có 1 triệu cơ hội việc làm trong đó các ngành như du lịch, nông nghiệp, vận tải và sản xuất thường gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Thậm chí, khảo sát của Coparmex với 2.500 doanh nghiệp hồi tháng 7 còn nói rằng 85% doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, nhiều hơn bất cứ lĩnh vực nào khác.
Nhu cầu với lao động ở Mexico đã được dự đoán trước, nhất là khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất tới gần Mỹ hơn. Không tìm được lời giải cho bài toán này, tình trạng thiếu lao động ở Mexico sẽ ngày càng gia tăng.
Các quan chức Mỹ, Mexico và Liên Hợp Quốc đã kêu gọi thành lập các khu vực tái định cư cho người di cư ở Mexico, Costa Rica và Colombia nhằm giảm tình trạng di cư bất hợp pháp sang Mỹ. Phía Mexico cho biết họ đang nỗ lực mở rộng các chương trình thị thực việc làm để giúp người di cư có kế sinh nhai đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Mexico hiện đang hợp tác với Chính phủ Guatemala để đưa khoảng 20.000 lao động tới làm việc ở Mexico hàng năm. Họ cũng đang muốn mở rộng chương trình này sang Honduras và El Salvador.
Không dám mong gì thêm
Khi Fernando Hernandez, 24 tuổi, rời khỏi Honduras tới miền nam Mexico vào năm ngoái cùng vợ và con nhỏ. Kế hoạch của họ là vượt qua đất nước này để đến Mỹ càng sớm càng tốt.
Nhưng sau đó, Hernandez nhìn thấy các bức ảnh trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh những đứa trẻ tử vong khi cùng gia đình vượt sông ở biên giới Mỹ - Mexico đã khiến họ chùn bước. Nghĩ tới cảnh cô con gái 2 tuổi Kaitlyn có thể bị lũ cuốn trôi, nghĩ tới người mẹ già đang phải sống trong một bãi đậu xe ở Texas sau khi di cư tới Mỹ từ năm 2017 vì không đủ tiền thuê nhà khiến Hernandez thực sự cảm thấy mông lung.
Cuối cùng, anh quyết định xin tị nạn ở Mexico. Sau khi được phê duyệt hồi tháng 2, Liên Hợp Quốc giúp gia đình anh chuyển tới thành phố công nghiệp Monterrey ở phía bắc đất nước. Hernandez tìm được việc tại một cửa hàng tiện lợi.
Chàng trai 24 tuổi nhanh chóng nhận thấy cơ hội việc làm có ở khắp nơi. Anh sau đó làm việc trong một nhà máy trước khi trở thành đầu bếp tại một chuỗi nhà hàng địa phương với mức lương 225 USD/tuần.
“Ở đây chúng tôi có mọi thứ, có nhà, có thức ăn và có gia đình. Tôi chẳng mong ước gì hơn”, Hernandez chia sẻ.
Tham khảo: Reuters