Khu nhà ở công nhân này được đầu tư 70 tỉ đồng. Công trình chia làm ba khối nhà gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi với mục tiêu giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân.
Mới 1/3 số căn "sáng đèn"
Sau hơn ba năm, mới chỉ có một khối nhà có người ở (gần 80 hộ). Hai khối nhà còn lại với hơn 200 phòng vẫn chưa có người vào thuê. Một số tiện ích như sân vườn, sân bóng đá, sân cầu lông, dụng cụ tập thể dục vắng hoe.
Mang những thùng xốp trồng rau vào hành lang các dãy nhà vắng người ở, chị Nguyễn Thị My (công nhân một nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Cầm) cho biết vừa qua một số người vào thuê muốn trả lại vì nhà cửa không phù hợp với nhu cầu.
Theo chị My, với mức giá cho thuê rẻ, công nhân ai cũng muốn được ở đây để có điều kiện sinh sống tốt hơn. Tuy nhiên căn nhà cho thuê chỉ 16m2 ở đây trở nên chật ních khi nhà có thêm người. "Khi có thêm thành viên mới thấy quá bất tiện vì diện tích nhỏ và trần thấp. Nhiều công nhân đã có gia đình phân vân chưa muốn vào thuê" - chị My nói.
Trong những đợt khảo sát gần đây, công nhân thuê nhà đều mong muốn được mở rộng diện tích phòng. Theo người quản lý khu nhà của Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng, cả ba khối nhà ở đây đều thiết kế các phòng tương tự nhau. Hai khối nhà chưa đưa vào sử dụng cũng chủ yếu là các phòng có diện tích dưới 20m2, một số phòng có trần cao và có thêm gác.
Từ khi khánh thành công trình đến nay hai khối nhà mới chỉ mở cửa một lần trong đợt cách ly người nhiễm COVID-19 chứ chưa mở cửa cho thuê.
Chờ dự án... thông phòng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Đại, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, cho biết công trình này được xác định người được thuê là những người lao động làm việc theo loại hình hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 12 tháng trở lên tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở diện tích bình quân dưới 10m2/người.
Khi đưa vào sử dụng thì diện tích phòng nhỏ khiến nhiều người dè dặt khi nộp hồ sơ. Hơn nữa, một số thủ tục chứng minh điều kiện thuê nhà còn rườm rà khiến công nhân chưa tiếp cận chính sách ưu đãi này.
"Khi làm đề án, mục đích ban đầu dự tính là nhà ở cho công nhân đơn lẻ thuê để họ có điều kiện sinh hoạt tốt hơn với nhà bếp, nhà vệ sinh khép kín. Nhưng khi đưa vào sử dụng chúng tôi thấy rằng rất ít trường hợp ở đơn mà hầu hết công nhân có gia đình, có nhà có con cái, ông bà ở cùng. Diện tích 16m2 là quá nhỏ nên chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo TP mở rộng diện tích phòng cho phù hợp nhu cầu" - ông Đại nói.
Theo ông Đại, qua khảo sát, người có nhu cầu đăng ký thuê ở đơn lẻ chỉ 40%, số còn lại cần nhà ở cho nhiều người. Lãnh đạo TP Đà Nẵng có chủ trương làm thông phòng để mở rộng không gian ở.
Ông Đại cho biết giai đoạn 1 của dự án đã xong và hoàn tất quyết toán. Muốn cải tạo theo hướng thông phòng phải ghi vốn lại từ đầu và làm lại tất cả các thủ tục đầu tư. Đặc biệt là phải thiết kế lại hệ thống phòng cháy chữa cháy theo hiện trạng mới nên kéo dài thời gian.
"Hiện chúng tôi cũng đang chờ trình HĐND TP thông qua dự án mới để các dãy nhà công nhân cùng sáng đèn" - ông Đại nói.
Nhanh nhất phải năm 2025 mới "sáng đèn"
Ông Lê Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết vừa qua đã tiếp nhận phương án cải tạo từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng.
Trong phương án này, dự kiến cải tạo phòng theo hướng thông hai phòng với nhau để đạt diện tích 34m2, đồng thời sẽ bổ sung nhà để xe ở tầng 1.
"Căn cứ theo Luật Nhà ở và các nghị định thì diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ không được nhỏ hơn 25m2. Như vậy việc thông hai phòng được 34m2 cũng sẽ đảm bảo các quy định về xây dựng" - ông Tuấn nói.
Việc xây dựng này sử dụng vốn ngân sách nên phải thông qua HĐND quyết định. Sau khi được đồng ý, UBND TP sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư và tiến hành đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025.
Người lao động, công nhân khó khăn ở TP Đà Nẵng sẽ được vay 50 tỉ đồng để trang trải, ổn định cuộc sống trong giai đoạn 2024 - 2029.