vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất xử lý hình sự người trúng đấu giá rồi bỏ cọc

2023-11-28 14:14

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các biện pháp để xử lý tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc nhận được nhiều quan tâm của đại biểu.

Bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An đề cập nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia biểu hiện bất thường, trả giá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ. Bà kể, có cuộc đấu giá, người tham gia trả giá cao vài chục, tới hơn 200 lần giá khởi điểm; hoặc từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng, nhưng giá trúng được trả lên tới gần 1.700 tỷ, cao bất thường.

"Một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc, với mục đích thao túng thị trường, chứ không phải mua tài sản", bà nêu thực tế.

Ông Phạm Văn Hòa cũng nhắc tới vụ Tân Hoàng Minh đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm hay các vụ gần đây như đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Hà Nội với giá cao rồi bỏ cọc.

"Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, như phạt hành chính, tăng tiền cọc và cấm những người này tham gia các cuộc đấu giá sau trong một thời gian", đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị.

Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh Nghiệp tỉnh Cà Mau phát biểu tại phiên thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản, ngày 28/11. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh Nghiệp tỉnh Cà Mau, phát biểu tại phiên thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản, ngày 28/11. Ảnh: Media Quốc hội

Theo dự thảo luật, người tham gia đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá, tức bằng với mức hiện hành. Tiền này sau khi trúng sẽ chuyển thành tiền cọc, nhưng theo ông Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh Nghiệp tỉnh Cà Mau, nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Để hạn chế tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc, ông Thanh cho rằng cần tách bạch giữa tiền đặt trước và tiền cọc. Trong đó, tiền đặt cọc có thể 20-30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp sẽ hủy kết quả, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.

"Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá", ông Thanh nêu quan điểm.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh Nghiệp tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự với hành vi bỏ cọc đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong đấu giá tài sản, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh đề nghị.

Tranh luận sau đó, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, nói không đồng tình việc xử lý hình sự vì đây là quan hệ dân sự. "Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng", ông nói. Thay vào đó, dự luật có thể thiết kế tăng tiền đặt trước để điều chỉnh hành vi bỏ cọc này.

Ông Thịnh đề xuất khi đấu giá theo hình thức trả giá trong nhiều vòng liên tục, khi giá bắt đầu tăng gấp hai lần mức khởi điểm thì cho phép điều chỉnh tiền cọc. Quy định này áp dụng với tài sản Nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh với tài sản khác. Cùng đó, thời gian người trúng đấu giá phải nộp tiền cần rút ngắn hơn.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An lại cho rằng, mức tiền đặt trước 5-20% giá khởi điểm đấu giá là hợp lý, không nên tăng thêm. "Tăng tiền này lên quá cao sẽ ảnh hưởng tới quyền tự do giao dịch, giảm cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá tài sản", bà nhận xét.

Để giải quyết bất cập người trúng đấu giá bỏ cọc, bà Dung đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt hành chính.

Trước băn khoăn của các đại biểu về chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung và siết chặt các quy định, chế tài không khi hoàn thiện pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, bổ sung phạt vi phạm hành chính, cấm tham gia đấu giá.

"Quan điểm của chúng tôi là pháp luật quy định càng chặt càng tốt. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhất là xem xét việc bổ sung chế tài nào để hạn chế, ngăn ngừa hành vi này hay không", ông Long nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp nói thêm để đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách hợp tình, hợp lý, thực tế cần nhiều yếu tố liên quan, như đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.8612864-coc-ob-ior-aig-uad-gnurt-iougn-us-hnih-yl-ux-taux-ed/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề xuất xử lý hình sự người trúng đấu giá rồi bỏ cọc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools