Chiều 28-11, tổ đại biểu HĐND TP đơn bị bầu cử số 12 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 11 trước kỳ họp thứ 13. Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải tham dự buổi tiếp xúc.
Tại đây, cử tri Đặng Văn Rành (phường 1) nêu vấn đề liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó nhắc đến việc bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch HĐQT tập đoàn này, đã chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỉ đồng…
Qua vụ việc trên, cử tri Rành đề xuất: “Nhà nước cần điều chỉnh quản lý tài chính, ngân hàng, không để xảy ra thêm những vụ việc như Vạn Thịnh Phát. Truy tìm tài sản từ vụ án để khắc phục hậu quả”.
Trong khi đó, cử tri Trần Lưu Lai (phường 15) cho rằng việc sắp xếp các khu phố ấp, bỏ tổ dân phố giữ lại khu phố sẽ rất khó cho các địa phương.
Khi sáp nhập hình thành khu phố mới với số lượng khoảng 500 hộ thì khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ban lãnh đạo khu phố có khả thi không và nhân sự quản lý khu phố mới có đủ sức bao quát, sâu sát như nhân sự tổ dân phố trước đó.
Trao đổi với cử tri, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết vụ việc của Vạn Thịnh Phát đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Sau khi xét xử sẽ định rõ sai phạm của các tổ chức và cá nhân, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cũng theo ông Hải, đây là vụ án điển hình trong lĩnh vực tài chính, khi xử lý xong, chắc chắn các cơ quan không chỉ TP.HCM mà phía ngân hàng và các cơ quan có trách nhiệm sẽ đưa ra các quy định phòng ngừa sai phạm, làm hệ thống ngân hàng được hoạt động lành mạnh và hiệu quả.
Với việc sắp xếp khu phố, ấp, theo phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đây là vấn đề lớn liên quan đến đời sống nhân dân và tâm tư tình cảm của những cô chú từng công tác ở tổ dân phố.
Số lượng hộ dân của khu phố sẽ được triển khai cụ thể tùy theo địa bàn dân cư để phù hợp và trong quá trình thực hiện hơn hết phải có sự đồng thuận của nhân dân.
Trong quản lý, TP gia tăng thêm hai chức danh bổ sung so với các địa phương khác, đảm bảo sợi dây gắn kết, những “chân rết” chính quyền và nhân dân.
“TP đã có nhiều suy nghĩ khi ban hành quyết định này và trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục có lắng nghe các ý kiến, tri ân các cô chú cống hiến lâu năm các vị trí ở tổ dân phố, lựa chọn nhân sự tham gia ban lãnh đạo ở khu phố mới đảm bảo hiệu quả đến từng hộ gia đình”, ông Hải nói.
Quy định 1629, giải pháp "dựa vào dân", bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri còn quan tâm đến vấn đề phòng chống tham nhũng của TP.HCM, đặc biệt là việc ban hành quy định 1629 chi 10 triệu đồng/tin tố giác sai phạm để khuyến khích việc tố giác tham nhũng, tiêu cực hay việc rà soát người có quan hệ gia đình trong bộ máy để chủ động bố trí, luân chuyển.
Ông Hải cho biết quy định 1629 về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi Thành ủy ban hành quy định này dư luận rất quan tâm.
"Đây là giải pháp tăng cường, đồng bộ hơn, chủ yếu là “dựa vào dân”, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, bảo vệ người tố giác thông tin sai phạm của các tổ chức, cá nhân. Đây là quy định vừa mới ban hành nên cũng cần có thời gian đánh giá hiệu quả.
Tuy nhiên với tinh thần quyết liệt của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP, sau hơn 1 năm thành lập, công tác phòng chống tham nhũng đã có kết quả rất đáng trân trọng. Sắp tới TP sẽ tổ chức sơ kết, có rà soát, bổ sung để thực hiện tốt hơn" - ông Hải nói.
Mỗi số liệu trong vụ án Vạn Thịnh Phát đều là những con số sai phạm kỷ lục trong số những vụ án hình sự từ trước đến nay.