Theo Hãng tin Reuters ngày 28-11, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris liên tục nhấn mạnh nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm tại Dải Gaza trong cuộc họp với Liên Hiệp Quốc cùng ngày.
Bà cho biết: "Sẽ đến lúc chúng ta thấy số người chết vì dịch bệnh còn cao hơn những người tử vong do bom đạn nếu chúng ta không xây dựng lại hệ thống y tế ở đây".
Căn cứ một báo cáo Liên Hiệp Quốc về tình hình người mất nhà cửa ở phía bắc Gaza, bà Harris cho biết: "Ở đó không có thuốc men, không có tiêm ngừa, không thể tiếp cận nguồn nước an toàn, không vệ sinh và không lương thực. Chúng tôi ghi nhận số ca tiêu chảy rất cao ở trẻ sơ sinh".
Từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng nổ hồi đầu tháng 10, Israel đã cắt nguồn điện và cấm nhập nhiên liệu vào đây. Điều này khiến các bệnh viện ở dải đất này lần lượt phải đóng cửa vì không có điện, trong đó có Bệnh viện Al Shifa - cơ sở y tế lớn nhất Gaza.
Theo bà Harris, việc Bệnh viện Al Shifa ngừng hoạt động là "bi kịch". Bà cũng nêu lo ngại về việc Israel bắt giam một số nhân viên y tế ở đây, trong đó có giám đốc Mohammad Abu Salmiya.
Trước đó, ông James Elder, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Gaza, mô tả với phóng viên rằng bệnh viện ở đây đầy trẻ em với vết thương chiến tranh và viêm dạ dày do uống nước bẩn.
"Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh. Họ biết chính xác con cái họ cần gì. Nhưng họ không thể tiếp cận nguồn nước an toàn và điều đó khiến họ bất lực", ông Elder cho biết.
Theo Cơ quan y tế Gaza, từ ngày 7-10 đến 28-11, 15.000 người được xác nhận đã chết do bom đạn ở Gaza. Trong đó khoảng 40% là trẻ em.
Số lượng thương vong này dự kiến còn tăng khi Israel vẫn kiên định với mục tiêu diệt trừ phong trào Hồi giáo Hamas, báo hiệu xung đột ở Gaza còn kéo dài.
Sau các đợt trao đổi con tin kéo dài trong bốn ngày từ 24-11, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza đang đứng trước hy vọng có thể được gia hạn.