Ngày 28/11, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Đức Hiệt (74 tuổi) 16 năm tù về tội Buôn lậu và Đưa hối lộ.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 2/1997 đến tháng 8/1997, Trần Đức Hệt đã có hành vi giúp sức cho Trần Đàm (Giám đốc Công ty Tân Trường Sanh), Trần Quang Vũ (con ông Đàm) trong việc hoàn tất các thủ tục nhập lậu 130 container hàng điện tử, điện lạnh có trị giá 319,3 tỷ đồng thông qua 6 doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, để thực hiện trót lọt việc buôn lậu dưới sự phân công của Trần Đàm, bị cáo Hệt đã đưa hối lộ cho các cán bộ hải quan với tổng số tiền hơn 636 triệu đồng (hải quan tỉnh Long An, TP Cần Thơ và Thừa Thiên Huế).
Thời gian này, Hệt được ông Đàm trả lương mỗi tháng 1 triệu đồng.
Khoảng tháng 8/1997 đến tháng 11/1997, sau khi biết tin các kho của Công ty Tân Trường Sanh bị kiểm tra, sợ bị bắt nên ông Hệt trốn khỏi nhà, ở một số nơi tại TPHCM. Sau đó, thông qua dịch vụ, người đàn ông này sang Campuchia, thuê dịch vụ làm giả giấy tờ tùy thân hộ chiếu quốc tịch Campuchia với tên Ly Seng.
Từ tháng 1/1998 đến tháng 12/1999, Hiệt sang Công hòa Dominica sinh sống, học làm nghề Nail (làm móng tay, chân) và thuê dịch vụ được đăng ký nhập quốc tịch tại đất nước này.
Từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2021, ông ta đến Venezuela sinh sống. Trong thời gian này, ông Hệt bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính phải đi cấp cứu nên nảy sinh ý định về Việt Nam sống những năm cuối đời. Vì vậy, ông Hệt sử dụng hộ chiếu Dominica tên Ly Seng để về Việt Nam.
Khoảng tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, bị cáo về Campuchia. Khi về đến sân bay quốc tế Phnom Penh thì ông bị thất lạc hành lý và toàn bộ giấy tờ tùy thân. Tiếp đó, ông ta liên hệ với em trai và nhờ thuê nhà cho mình tại TP Vũng Tàu.
Tháng 2/2022, Hệt thuê dịch vụ ở Campuchia đưa về Việt Nam bằng đường bộ qua đường mòn khu vực biên giới tỉnh An Giang rồi đi di chuyển tới TP Vũng Tàu.
Khoảng giữa tháng 11/2022, Hệt có dấu hiệu bị đột quỵ nên điện thoại cho con gái đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở TPHCM. Do không có giấy tờ tùy thân nên người này đã lấy thân thế em trai để được khám bệnh. Trong quá trình điều trị, biết tình trạng sức khỏe của nam bị cáo phải ở gần bệnh viện để thuận tiện cho việc điều trị và tái khám hàng tháng nên gia đình ông ta quyết định đưa ông này từ TP Vũng Tàu tới TPHCM sinh sống.
Ngày 21/2/2023, ông Hệt bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giữ. Khai với nhà chức trách, ông ta nói quá trình trốn truy nã mình không phạm tội gì.
Ngoài lời khai của ông Hệt, Bộ Công an không có tài liệu, chứng cứ nào xác định ông ta từng đi, đến Campuchia, Dominica, Venezuela. Do đó, không có cơ sở thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với những nước trên để xác minh lời khai của nam bị cáo về việc làm giả hộ chiếu Campuchia, Dominica, thẻ thường trú ở Venezuela.
Năm 1999, TAND TPHCM xét xử vụ án Trần Đàm và 73 bị cáo về các tội Buôn lậu; Đưa, nhận hối lộ; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng... Đây là vụ buôn lậu có quy mô lớn nhất - tính đến thời điểm bị phát hiện.
Liên quan đến vụ án có 32 cán bộ điều tra, hải quan, cảnh sát bị xét xử về hành vi Nhận hối lộ.
Từng bị tuyên án tử hình, năm 2003, ông Trần Đàm được ân giảm rồi ra tù trước thời hạn. Đến năm 2012 ông có đơn xin tuyên bố con trai đã chết.
Ngày 25/7/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên họp tái thẩm và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cùng cấp, hủy quyết định của TAND quận 3 về việc cơ quan này tuyên bố vợ chồng Trần Quang Vũ cùng con trai của Vũ đã chết, đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự.
Ủy ban thẩm phán nhận định, Vũ đang là đối tượng truy nã đặc biệt trong vụ án Trần Đàm và đồng bọn buôn lậu hàng hóa qua biên giới xảy ra tại công ty Tân Trường Sanh.
Quyết định truy nã đối với Trần Quang Vũ vẫn còn hiệu lực, không thể xem là biệt tích nên ngày 3/8/2012, TAND quận 3 cho rằng Vũ biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống... để từ đó tuyên bố Trần Quang Vũ và vợ con đã chết ngày 27/12/2003 là không đúng.