Dự luật này được dư luận chú ý sau khi có những vụ ồn ào xảy ra thời gian qua do người trúng đấu giá cao chót vót nhưng sau đó đã "bỏ chạy".
Vấn đề tiền đặt trước, xử lý bỏ cọc được nhiều đại biểu quan tâm.
Đề nghị tăng tiền cọc lên 20 - 30%
Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề cập đến nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung. Trong đó có cuộc đấu giá mà giá khởi điểm 24 tỉ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỉ đồng.
Hơn thế, theo bà Dung, một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản. Những tổ chức, cá nhân này sẵn sàng mất tiền cọc, "bỏ của chạy lấy người".
Từ đó bà đề nghị sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài mất tiền đặt cọc còn bị xử phạt thêm.
Còn đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc).
Theo ông Thanh, nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc. Để hạn chế chuyện bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì "lợi ích nhóm", thao túng, gây rối, ông Thanh cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.
Trong đó, tăng tiền đặt cọc lên, có thể là 20 - 30% của giá trúng đấu giá và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại.
"Tiền đặt cọc phải nộp ngay tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng thay vì vài trăm triệu, vài tỉ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ thận trọng rất nhiều khi bỏ giá", ông Thanh nêu rõ.
Còn đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng khoản tiền đặt trước tối thiểu bằng 5% và tối đa bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá là phù hợp và có hiệu quả thực tiễn trong thời gian dài.
Ông Hiếu đề nghị cần phải có biện pháp để bảo đảm cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá được lành mạnh, có hiệu quả, làm ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Chế tài để ngăn bỏ cọc
Tranh luận về ý kiến cho rằng phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng đây là quan hệ dân sự.
Trong trường hợp này, theo ông Thịnh, cần điều chỉnh về tiền đặt trước. Tức là khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu bước vào đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho điều chỉnh lại giá. Khi nào vòng này lặp lại lần nữa thì yêu cầu phải bổ sung tiền cọc.
Nêu ý kiến giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, nên không thể điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, như điều kiện đưa ra để bán đấu giá, giá khởi điểm, xử lý sau đấu giá... còn phải tuân theo luật chuyên ngành.
Ông cho hay hiện nhiều nước không quy định bắt buộc tiền đặt trước trong đấu giá, nên mức tiền cọc 5 - 20% giá khởi điểm tài sản đấu giá như tại dự thảo luật là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
Trước băn khoăn của các đại biểu về chế tài với người bỏ cọc, ông Long nói sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung và siết chặt hơn hay không khi hoàn thiện pháp luật chuyên ngành, như bổ sung phạt vi phạm hành chính, cấm tham gia đấu giá.
"Quan điểm của chúng tôi là pháp luật quy định càng chặt càng tốt. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhất là xem xét việc bổ sung chế tài nào để hạn chế, ngăn ngừa hành vi này hay không", ông Long nhấn mạnh.
Khi búa gõ thì đã quá muộn để thay đổi
Auction House, công ty đấu giá tài sản thương mại và nhà ở lớn nhất của Anh, nói rằng trong trường hợp bên tham gia đấu giá không thể hoàn tất việc mua tài sản đấu giá, họ có thể bị phạt nặng, thông thường sẽ gồm mất toàn bộ khoản tiền đặt cọc 10% (giá trúng đấu giá) và các khoản phí đã thanh toán.
Auction House nhận định những tình huống như thế này hiếm khi xảy ra và chúng có thể gây tốn kém cho người mua nếu không hoàn tất việc mua tài sản đấu giá.
Công ty đấu giá này nhấn mạnh khi chiếc búa đã được gõ trong phòng đấu giá, điều đó đã thể hiện sự trao đổi hợp đồng ràng buộc giữa người bán và người mua.
Khi đó đã quá muộn để một trong hai bên thay đổi quyết định và việc mua bán phải được tiến hành theo các điều khoản hợp đồng cũng như với mức giá đã chốt khi gõ búa.
Công ty này đưa ra lời khuyên: "Nếu bạn không chắc chắn về việc mua tài sản vào bất kỳ thời điểm nào thì bạn không nên đấu giá".
Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung thêm điều phạt hợp đồng trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc.