Nghị quyết bao gồm năm chính sách đặc thù đối với một số công trình giao thông.
Theo các đại biểu Quốc hội, những chính sách đặc thù này sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn ở các công trình giao thông mà nhiều địa phương đang gặp khó trong cách xử lý.
Năm chính sách đặc thù
* Chính sách 1: Tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một số dự án đầu tư theo phương thức này, tỉ lệ vốn của Nhà nước tham gia sẽ được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.
Hai dự án được thí điểm là cao tốc đường bộ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sẽ có tỉ lệ vốn góp nhà nước lên 70%; dự án đường ven biển Thái Bình tỉ lệ vốn góp nhà nước là 80%, lấy từ ngân sách địa phương.
* Chính sách 2: Thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương.
Thủ tướng xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đối với bảy dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.
Nhóm này có hai dự án ở Bình Phước và các dự án ở Khánh Hòa, Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ.
* Chính sách 3: Các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương.
Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ với một số dự án qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án qua các địa phương với 14 dự án.
* Chính sách 4: Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án hạ tầng giao thông đường bộ.
Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhà thầu phải cam kết bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật. Nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
* Chính sách 5: Sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Nghị quyết quy định, căn cứ nguồn vốn và số vốn dự kiến cho dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sáu dự án; nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó sáu dự án khác được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nêu trên được trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định đưa vào sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Cơ bản giải quyết các vướng mắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho rằng trong thực tiễn quá trình thực hiện xây dựng hệ thống kết cấu giao thông đường bộ tại các địa phương đã phát sinh nhiều nhiệm vụ, chưa có căn cứ pháp lý phù hợp.
Từ đó gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án rất lớn.
Nêu ví dụ, ông Huân dẫn việc xây dựng các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương như ở dự án tuyến đường TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể sang Na Hang (Tuyên Quang) cũng đang gặp những khó khăn.
Chẳng hạn Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.
Do đó việc áp dụng cơ chế đặc thù mới được thông qua cho phép tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để thực hiện dự án là hết sức cần thiết.
Đây là cơ chế linh hoạt để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa ba tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang và đảm bảo đồng bộ cấp đường theo toàn tuyến.
Về nguồn vật liệu, ông Huân cũng chia sẻ thực tế các mỏ vật liệu đang khai thác tại địa phương có công suất khai thác nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung, trong khi trình tự thủ tục cấp mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian.
Do đó, khi áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giúp cho các bộ, ngành, địa phương bớt gặp khó khăn, hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho hay thời gian qua, việc triển khai một số dự án giao thông lớn tại Đồng Tháp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng như dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp...
Do đó việc thông qua chính sách thí điểm đặc thù này, theo ông Hòa, sẽ giúp chủ đầu tư, địa phương tháo gỡ các khó khăn, từ đó dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành.
Về việc thí điểm cho Thủ tướng giao cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư cao tốc qua nhiều địa phương, ông Hòa nói thực tế có nơi đã thực hiện rồi chứ không phải là mới. Ông dẫn chứng ở TP.HCM, Hà Nội đã thực hiện các dự án này và làm rất kịp thời, nhanh chóng.
Việc này cũng tránh được việc hai tỉnh cạnh nhau tự đầu tư rồi bên đền bù giá này, bên đền bù giá kia không có sự thống nhất. Trường hợp này, "tỉnh khá giả về ngân sách sẽ hỗ trợ cho tỉnh khác nếu gặp khó khăn cũng rất hợp lý, cần thiết", ông Hòa bình luận.
Để thực hiện tốt nghị quyết, ông Hòa cho rằng các bộ, ngành, HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan việc thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết cần nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, đảm bảo không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí...
Chính sách đặc thù rất cần thiết
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay thời gian vừa qua kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được Nhà nước quan tâm dành nguồn lực lớn để đầu tư.
Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong khi việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược.
Ông Thanh cho rằng việc ưu tiên nguồn lực, có các chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại là rất cần thiết.
Đồng thời, một số chính sách thí điểm tại dự thảo nghị quyết được kế thừa từ các chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng thời gian qua và đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng. Do đó trước nhu cầu cần thiết, cấp bách hiện nay thì việc Chính phủ đề xuất thí điểm các chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ là hợp lý.
56
dự án được thí điểm các cơ chế đặc thù.
Có ý nghĩa lớn cho nơi khó khăn và cả nơi có nguồn lực
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) cho hay thời gian qua việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ. Do đó việc ban hành nghị quyết thí điểm này là hoàn toàn cần thiết.
Theo ông Giót, thực tế cho thấy năm chính sách trên đã cơ bản đảm bảo giải quyết những vướng mắc hiện nay, nhất là đối với những tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn, tự chủ về ngân sách.
Ông kỳ vọng với các chính sách đặc thù này khi có sẽ giúp các dự án đang triển khai sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo kế hoạch để sớm đưa các dự án vào khai thác vận hành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả nước phát triển.
Đặc biệt những chính sách này rất quan trọng với những khu vực giao thông còn chưa thực sự phát triển và những vùng động lực kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP.HCM.
Địa phương "chủ xị" phải đủ năng lực để làm
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng năm chính sách đặc thù về đầu tư cho dự án giao thông đường bộ sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển giao thông đường bộ mạnh mẽ thời gian tới.
Trong đó có chính sách tạo động lực phát triển giao thông qua các địa phương rất lớn là chính sách về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương.
Thời gian qua với dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, lần đầu tiên thành phố được giao làm điều phối chung toàn dự án đi qua nhiều tỉnh thành nên công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh, nguồn nguyên vật liệu các địa phương cũng phối hợp trơn tru.
Từ trước đến nay, hầu hết các dự án quốc lộ, cao tốc, dự án có tính kết nối vùng cao... đều do Bộ GTVT đảm nhận với vốn đầu tư nhà nước. Giờ đây khi các dự án này được xem xét giao cho địa phương đảm nhận thì rất khả thi.
Đồng thời tăng tính chủ động cho địa phương hơn, động lực của các địa phương cũng rõ ràng hơn.
Theo ông Cương, sở dĩ nói như vậy vì một tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương nào đó nhất định mang lại lợi ích kết nối giao thông thông suốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Chính vì lẽ đó, địa phương sẽ có động lực tích cực tham gia, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện.
Dù vậy, ngay từ đầu, Nhà nước phải đặt rõ mục tiêu, phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị để tránh nảy sinh tính "cục bộ". Nhà nước cũng cần có quy chuẩn và quy trình thực hiện dự án chung mà các địa phương phải tuân thủ.
Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong khâu triển khai thực hiện dự án, chất lượng đường sá khi kết nối lại thông suốt, vận hành đem lại hiệu quả cao. Như vậy tránh được tình trạng "mỗi nơi mỗi kiểu".
Theo ông Cương, địa phương cấp tỉnh được giao đầu tư quốc lộ, cao tốc phải đảm bảo đủ năng lực đảm nhận. Ví dụ anh làm quốc lộ, cao tốc phải có kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành cụ thể.
Địa phương này cũng chịu trách nhiệm chính khi xảy ra bất cứ vấn đề gì trong quá trình triển khai như chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt quy chuẩn... nên đòi hỏi kinh nghiệm của địa phương "chủ xị" mới đảm bảo tính nhanh, hiệu quả.
TP.HCM kỳ vọng các dự án PPP sớm khởi động
Các chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho rằng cơ chế cho phép xem xét nâng tỉ lệ vốn tối đa nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP (hình thức đối tác công tư) từ 50% lên 70% tạo cơ hội thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.
Trước đó, đề cập đến các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Sở GTVT TP.HCM cho biết nghị quyết 98 về các chính sách đặc thù cho TP.HCM có hiệu lực mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư cho nhiều dự án trước nay đang gặp khó.
TP.HCM lên danh mục kêu gọi đầu tư năm dự án BOT trên đường hiện hữu. Các dự án này hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm dự án giao thông huyết mạch trong danh mục kêu gọi đầu tư gồm: dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, năm dự án BOT trên đường hiện hữu có tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng.
Cụ thể, mở rộng quốc lộ 1 dài 9,6km, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỉ đồng; mở rộng quốc lộ 13 dài gần 6km, với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng; mở rộng quốc lộ 22 dài 9,1km, tổng mức đầu tư khoảng 7.173 tỉ đồng.
Hai dự án còn lại là nâng cấp trục đường Bắc - Nam dài 8km, với tổng vốn hơn 4.500 tỉ đồng; xây dựng cầu đường Bình Tiên dài 3,2km, với tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.