Trong bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter) cuối ngày 28-11, người đứng đầu Cục An ninh quốc gia Ba Lan Jacek Siewiera cho biết Ba Lan sẽ cử các cố vấn quân sự đến Phần Lan để đáp lại "yêu cầu chính thức về việc hỗ trợ đồng minh khi đối mặt với một cuộc tấn công hỗn hợp ở biên giới Phần Lan".
Cả Ba Lan và Phần Lan đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tháng 4 năm nay, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO và cũng là thành viên NATO có đường biên giới dài nhất với Nga.
"Một đội cố vấn quân sự sẽ cung cấp kiến thức tại chỗ về an ninh biên giới, cũng như về mặt hoạt động" - ông Jacek Siewiera cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, khi được hỏi về lời đề nghị của Ba Lan với Phần Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới vào ngày 29-11: "Đây là biện pháp hoàn toàn dư thừa để đảm bảo an ninh biên giới vì không có mối đe dọa nào ở đó".
"Người Phần Lan phải nhận thức rõ rằng việc gia tăng tập trung các đơn vị quân đội ở biên giới với chúng tôi sẽ đặt ra mối đe dọa cho chúng tôi" - ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hoạt động triển khai nào như vậy sẽ là vô cớ và vô lý.
Trong khi đó, lực lượng biên phòng và Bộ Nội vụ Phần Lan đều nói rằng họ không hay biết về bất kỳ kế hoạch nào nhằm đưa các cố vấn quân sự Ba Lan đến biên giới phía đông Phần Lan.
Phần Lan đã đóng toàn bộ phần biên giới dài 1.340km với Nga trong hai tuần nhằm ngăn chặn dòng người xin tị nạn lớn bất thường - vụ việc mà Phần Lan cho rằng là "cuộc tấn công hỗn hợp" do Nga dàn dựng, nhưng Điện Kremlin đã bác bỏ.
Văn phòng Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết ông Niinisto đã hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại Warsaw vào tuần trước, nhưng họ không thảo luận về chuyện hợp tác quân sự ở biên giới Phần Lan - Nga.
Phần Lan tuyên bố đóng mọi cửa khẩu với Nga trong hai tuần nhằm ngăn dòng người tị nạn sang quốc gia này.