Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục thực hiện ba quy định về phát hành, giao dịch trái phiếu từ tháng 1/2024, tại cuộc họp lấy ý kiến đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, chiều 28/11.
Những đề xuất đáng chú ý được nêu ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu tuy có những diễn biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, cần thời gian cũng như sự trợ giúp từ chính sách để có thêm cơ hội phục hồi.
Trái phiếu phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường bất động sản
Báo cáo Nghiên cứu “Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ - Một vài hàm ý đối với thị trường bất động sản” của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố ngày 24/11 chỉ ra: Trái phiếu phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường bất động sản. Thị trường cần nguồn vốn trung và dài hạn thì phải trông chờ vào trái phiếu chứ không phải vốn ngân hàng.
Theo đó, trong bối cảnh “không gian dành cho chính sách tiền tệ không còn nhiều”, VIRES cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Mặt khác, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn.
Do đó, trái phiếu vẫn phải là kênh vốn chính của thị trường. Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững để các doanh nghiệp có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn.
“Việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi thì quá nới lỏng, tạo ra một thị trường đầy kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau phát hành. Đến khi có rủi ro lại đột ngột “phanh” gấp, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022”, VIRES nêu.
Tin vui là gần đây, thị trường trái phiếu đã có những diễn biến tích cực và nhà đầu tư vẫn có cơ hội trong năm 2024. Chia sẻ với Reatimes, ông Trần Phú Việt – Trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm, Khối thông tin tài chính, FiinGroup cho biết, thị trường thứ cấp hiện tại đã trở nên sôi động hơn rất nhiều sau khi có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ (ra mắt tháng 7/2023).
“Theo ghi nhận của chúng tôi, thanh khoản của thị trường đang gia tăng, có nhiều tổ chức phát hành giao dịch hơn. Giá trị trung bình hàng ngày, tính theo tuần tăng rất mạnh, đặc biệt từ khoảng giữa tháng 10/2023, giá trị giao dịch khoảng 1000-2000 tỷ đồng/ngày. Những tuần gần đây (tháng 11/2023), giá trị giao dịch lên đến khoảng 4.500 tỷ đồng/ngày, một con số rất lớn và ấn tượng”, ông Việt nói.
Đánh giá về triển vọng, ông Việt cho rằng, kênh trái phiếu năm 2024 còn rất nhiều cơ hội đầu tư, khi thị trường đã nhận diện và sàng lọc những doanh nghiệp, tổ chức vi phạm nghĩa vụ trả lãi và gốc trong năm 2022, 2023. Những doanh nghiệp còn lại chưa vi phạm và có lịch sử trả lãi tốt sẽ trở thành điểm sáng của thị trường. Đây cũng là cách thị trường nhận định được doanh nghiệp tốt, nhóm ngành nhóm ngành ít rủi ro, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng ra quyết định hơn.
Cùng với đó, toàn bộ các trái phiếu riêng lẻ đều đã được lưu ký trên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Kết hợp với việc các thông tin giao dịch, báo cáo tài chính đều được công bố, và nhiều đơn vị như FiinGroup thu thập và hiển thị trên các hệ thống phân tích dữ liệu, sẽ mang lại thông tin hữu ích cho nhà đầu tư có cơ sở quyết định.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn còn những yếu tố khó khăn, cần sự trợ giúp từ chính sách và nỗ lực vượt qua của doanh nghiệp. Thứ nhất, triển vọng kinh doanh của các tổ chức, đặc biệt là nhóm bất động sản và nhóm năng lượng tái tạo sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, rủi ro thiếu dòng tiền trả nợ đáo hạn vẫn còn hiện hữu.
Thứ hai, thị trường kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hồi phục nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức định chế phi tài chính và nhà đầu tư cá nhân.
“Chúng ta sẽ phải chờ một thời gian nữa để nhóm các nhà đầu tư này quay trở lại thị trường và góp phần làm cho kênh trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho các tổ chức kinh doanh”, ông Việt nói.
Đối với lĩnh vực bất động sản, đại diện FiinGroup cho rằng, bất động sản dân cư sẽ ảm đạm, khi thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài và nguồn vốn dài hạn chưa được khơi thông, nhất là từ kênh trái phiếu.
Gần đây, có rất ít dự án nhà ở được cấp phép xây dựng hay mở bán trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có biến động mạnh, các chủ đầu tư đẩy mạnh chính sách chiết khấu, khiến biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản không tích cực trở lại.
Nhìn chung, để vượt qua khó khăn, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu vẫn cần sự trợ giúp từ chính sách.
Khó để áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp
Tại cuộc họp lấy ý kiến đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Bộ Tài chính đưa ra ba đề xuất đáng chú ý: Thứ nhất, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.
Hai là, không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu.
Ba là, không kéo dài thời ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên xem xét lại việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, bởi với hai đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập được cấp phép hiện nay, và một lượng lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường, thì đến bao giờ doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm để đủ điều kiện phát hành trái phiếu?
“Tôi cho là đến hết năm 2025, vẫn có rất ít doanh nghiệp hoàn thành xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, chúng ta cần xem lại điều kiện này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Đối với quy định cá nhân phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên là 2 tỷ đồng trở lên, đồng thời phải nắm giữ trái phiếu 6 tháng liên tục không đứt quãng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá đây là quy định rất khó và nếu hạn chế cá nhân tham gia đầu tư trái phiếu sẽ không kích thích được thanh khoản thị trường trong bối cảnh trầm lắng hiện nay.
PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, chúng ta chưa có khả năng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả doanh nghiệp.
Như ở các nước cũng không bắt buộc tất cả doanh nghiệp đều tham gia xếp hạng tín nhiệm, mà có cơ chế ưu tiên một cách tự nhiên, đó là doanh nghiệp nào tham gia xếp hạng tín nhiệm và ở thang bậc tốt thì được nhà đầu tư tin tưởng tham gia đầu tư.
“Còn doanh nghiệp không tham gia thì được xếp loại trái phiếu rác, tức là dán nhãn rõ ràng để nhà đầu tư biết và lựa chọn tùy khẩu vị rủi ro của họ. Xếp hạng tín nhiệm là cần thiết và quan trọng để minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin với nhà đầu tư. Nhưng chúng ta có thể phân loại, không nên áp dụng bắt buộc cho tất cả”, PGS.TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Xem thêm: lmth.42142000042210202-yat-ort-pik-ocgnourt-iht-hnid-yuq-ab-nah-aig-gnohk-80-dn/nv.semitaer