Tại buổi gặp gỡ, nhiều chia sẻ chân tình được cộng đồng kiều bào bày tỏ. Anh Bùi Xuân Mai - cựu du học sinh - cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ có đặc thù riêng. Dù phần lớn nhiều người Việt ở đây còn khó khăn, nhưng bà con kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.
Cám ơn người Việt luôn giúp nhau khi hoạn nạn, khó khăn
Ví dụ như vụ động đất vừa qua, với sự điều phối của Đại sứ quán đã có các cán bộ trực tiếp tham gia cứu hộ cùng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, hỗ trợ trực tiếp tiền cho bà con. Anh Mai đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục visa để việc đi lại, giao lưu được sâu rộng hơn.
Chị Nguyễn Thị Nga, phó chủ tịch lâm thời Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện giúp đỡ bà con và người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ tham dự sự kiện văn hóa, xúc tiến thương mại trong nước tốt hơn. Đồng thời, cần cấp khoản kinh phí cho Đại sứ quán, tổ chức sinh hoạt cộng đồng được tốt hơn...
Cho rằng đoàn kết dân tộc là bài học to lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn khi lúc khó khăn, bà con vẫn tương trợ lẫn nhau, gửi về trong nước vắc xin, trang thiết bị y tế, các khoản hỗ trợ. Điều này thể hiện người Việt Nam luôn nhớ về quê hương.
Để hỗ trợ bà con kiều bào, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán tạo thuận lợi hơn về các thủ tục, giấy tờ một cách đơn giản nhất, làm trực tuyến. Nắm bắt thông tin, địa chỉ của bà con, như vừa qua có những nơi có thiên tai, dịch bệnh, sẽ có địa chỉ để liên hệ. Tháo gỡ vướng mắc của bà con như gỡ việc nhà mình, tránh tình trạng "nói thì hay, làm thì dở".
Thông tin về tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn đứng vững với năng lực nội sinh.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với hơn 150 nước trên thế giới, ký được 16 FTA với hơn 60 thị trường lớn, đặc biệt là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, kinh tế trong nước vẫn giữ vững ổn định. Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài lên mức 30 tỉ USD, nhà đầu tư tin tưởng.
Việc cải tiến môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, trong đó có thu hút đầu tư từ kiều bào, giúp tăng lượng kiều hối. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm.
“Chúng ta đi đâu cũng tự hào nói rằng là người Việt Nam, đó là giá trị mang lại cho đất nước, dân tộc” - Thủ tướng mong muốn bà con ổn định cuộc sống, đóng góp được cho gia đình, từ đó góp phần xây dựng quê hương và đất nước.
Bảo vệ lợi ích chính đáng của người Việt
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của kiều bào, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, ông khẳng định sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển, thuận lợi cho người dân, để cho mọi người dân được làm ăn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Về quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng cho biết đã có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống, Phó Tổng thống, nhấn mạnh tiềm năng hai nước còn lớn. Hai nước nghiên cứu đàm phán ký kết FTA, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư, đề nghị bạn công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, hướng tới nâng cấp quan hệ hai nước…
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến ưu tiên hướng tới khu vực Trung Đông - vốn là địa bàn chưa được khai mở. Phía bạn có thế mạnh lớn trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng, thúc đẩy hợp tác lao động…
Với các kiến nghị của bà con, Thủ tướng nói sẽ tạo điều kiện hết sức, như với chính sách visa, hỗ trợ hoạt động hội hợp pháp, công khai. Đồng thời, ông mong muốn bà con giữ được Tiếng Việt, đề cao văn hóa người Việt, đoàn kết giúp đỡ vượt qua khó khăn...
Ngày 29-11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.