Hạt gạo có thể làm ra nhiều sản phẩm khác để tăng giá trị, qua đó giúp doanh nghiệp có doanh thu tốt và nông dân có thu nhập bền vững.
Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây (TP.HCM), cho rằng giá gạo vừa qua tăng đột biến là do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và khan hiếm của thị trường nói chung, vì vậy cần có giải pháp giữ vững mức giá này trong lâu dài thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm từ hạt gạo.
Để dẫn chứng cho vấn đề này, bà Giàu cho biết Công ty Bình Tây xuất bánh tráng, phở với doanh thu xuất khẩu 20 triệu USD dù quy mô nhà máy nhỏ.
Vừa rồi, công ty đi Nhật tham gia sự kiện Vietnam Festival phở do báo Tuổi Trẻ tổ chức, người Nhật phải xếp hàng dài để mua phở, doanh thu 1 triệu yen/ngày. Bà Giàu khẳng định: "Người ta thích món chế biến từ gạo Việt Nam".
Từ đó, bà Giàu đề xuất Nhà nước cần có chính sách đầu tư ngay cơ sở hạ tầng cho nông dân như điện, nước, nhà kho, sân phơi và đầu tư thêm các khâu trong chuỗi chế biến nhằm nâng cao giá trị hạt gạo.
"Ở Hàn Quốc một năm sản xuất có 4 triệu tấn lúa mà họ làm ra bánh gạo Hàn Quốc xuất khẩu qua Việt Nam, ăn rất ngon. Điều đó cho thấy khâu chế biến quan trọng lắm. Cần có chính sách nâng cao giá trị hạt gạo qua con đường chế biến, đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho người nông dân và có luồng tín dụng tốt nhất", bà Giàu nói.
Ông Bùi Bá Bổng, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khuyến cáo nông dân cần kết hợp cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số. Đồng thời sản xuất lúa giảm phát thải để tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam cũng như tái sử dụng rơm rạ, sản xuất phân hữu cơ từ rơm.
"Nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon. Xây dựng gạo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu và chất độc hại. Sản xuất gạo chất lượng cao theo thị hiếu thị trường trong nước và xuất khẩu, chất lượng về dinh dưỡng, ngừa bệnh", ông Bổng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho rằng giá lúa gạo lên xuống chỉ là nhất thời theo thị trường, còn bền vững phải tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao bởi khi tham gia thì người nông dân và doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.
"Khi tham gia đề án, nông dân có thể biết được lợi nhuận bao nhiêu. Giá lúa lên thì nông dân có lời thêm, còn giá lúa giảm thì nông dân không lỗ. Nông dân sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ theo dạng đơn đặt hàng đi các nước. Nếu liên kết sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá cả trên thị trường, còn như hiện nay giá lúa gạo dễ bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới nên thường xuyên lên xuống, không ổn định", ông Lâm phân tích.
Cần kiểm soát chất lượng giống
Theo Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, những giống lúa mềm, thơm dần xuất hiện và biến mất rất đều đặn, đây là vấn nạn của lúa gạo Việt Nam. Nếu chúng ta không kiểm soát được chất lượng giống, gạo sẽ càng thoái hóa, càng kém đi.
Trong khi để duy trì ưu thế, Thái Lan đã công bố thành tựu và đặt chỉ tiêu ra 12 giống đến năm 2025. Nếu chúng ta không kiểm soát chất lượng hạt giống, ưu thế sẽ mất và hạt lúa không còn ưu thế giá bán hôm nay. Khi đó, thu nhập người nông dân giảm đều.
Ngày 28-11, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ký quyết định về việc cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.