Nhận định được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị định 08 năm 2023 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng.
Các doanh nghiệp vẫn huy động được hơn 170.000 tỉ đồng
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2022 thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, có thời kỳ tăng trưởng nóng, phát sinh một số rủi ro từ doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư cá nhân, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính.
Đặc biệt thời điểm tháng 10-2022 khi khởi tố vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới.
Để gỡ khó cho thị trường, Chính phủ đã ban hành nghị định 08 năm 2023 hoãn thực hiện một số quy định tại nghị định 65 năm 2022 để trung hòa lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính đánh giá sau khi nghị định 08 được ban hành (tháng 3-2023), từ quý 2-2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động được vốn cho sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ.
Cụ thể, từ tháng 3-2023 đến tháng 10-2023 có 66 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khối lượng phát hành khoảng 170.700 tỉ đồng, trong đó có 73.900 tỉ đồng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành, chiếm 43,3%. Có 47,9% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian này có tài sản đảm bảo.
Cũng trong khoảng thời gian này, một số doanh nghiệp phát hành đã chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 184.700 tỉ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu
Điểm nhấn chính sách của nghị định 08 là quy định: "Trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác".
Đồng thời, để giảm áp lực trả nợ đối với lượng trái phiếu đáo hạn trong 2023-2024, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ, nghị định 08 đã cho phép các trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm.
Bộ Tài chính cũng cho biết đến ngày 20-10-2023 có 60/132 doanh nghiệp chậm thanh toán 28.500 tỉ đồng đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư, chiếm 34,7% khối lượng trái phiếu chậm trả.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, trong 8 tháng năm nay các doanh nghiệp đã phát hành 18.100 tỉ đồng, trong đó BIDV phát hành 380 tỉ đồng, Ngân hàng Bắc Á phát hành 21 tỉ đồng, Tập đoàn Masan phát hành 5.500 tỉ đồng, Công ty Núi Pháp phát hành 2.200 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup phát hành 10.000 tỉ đồng.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ từ 1-1-2024 áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia đầu tư trái phiếu. Theo đó nhà đầu tư phải nắm giữ danh mục chứng khoán từ 2 tỉ đồng trở lên trong 6 tháng mới được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thực hiện xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, rút ngắn thời gian phát hành 1 đợt trái phiếu xuống còn 30 ngày.
Đồng thời Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện chính sách thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác, các trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước đây được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm theo quy định của nghị định 08 năm 2023.
Ông Bùi Văn Cường nói cần tập trung giám sát các văn bản liên quan tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.