Ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không - cho biết sau các chuyến bay hiệu chuẩn, ngày 1-12 Cục Hàng không sẽ thực hiện chuyến bay đánh giá phương thức bay có hạ cánh xuống sân bay Điện Biên, trước khi đưa sân bay này khai thác vào ngày 2-12.
Hiện Cục Hàng không đang làm thủ tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải cấp phép, công bố khai thác trở lại sân bay Điện Biên từ ngày 2-12 sau 8 tháng đóng sân bay để thi công.
Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đến thời điểm này các hạng mục: đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách cùng các công trình phụ trợ, đài dẫn đường, đèn hiệu, biển báo và hàng rào an ninh... thuộc dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên đã hoàn thành. Các hệ thống của nhà ga mới được nâng cấp đã được chạy thử, hiệu chỉnh để sẵn sàng khai thác.
Trước đó, ngày 22-1-2022, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã được UBND tỉnh Điện Biên và ACV khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV và chi phí giải phóng mặt bằng 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.
Để sân bay Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương thay cho các loại máy bay ATR 72, Embraer 190, ACV thực hiện xây dựng đường băng, nâng cấp nhà ga, xây dựng các công trình phụ trợ phù hợp.
Cụ thể, đường băng mới được xây dựng dài 2.400m, rộng 45m, lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m thay cho đường băng cũ dài 1.830m, rộng 30m. Đồng thời xây dựng dải hãm phanh hai đầu đường băng dài 100m, rộng 60m; sân quay đầu máy bay ở hai đầu đường băng, xây thêm đường lăn, hệ thống đèn tiếp cận hạ cánh giúp máy bay hạ cánh trong thời tiết xấu, ban đêm.
Sau khi dự án hoàn thành sân bay Điện Biên có sân đỗ tàu bay với 4 vị trí. Trong đó có 3 vị trí đỗ dành cho máy bay A320/A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho máy bay ATR 72 hoặc tương đương.
Nhà ga hành khách sân bay Điện Biên được cải tạo, mở rộng nâng công suất từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 hành khách/năm. Tổng diện tích sàn nhà ga sau cải tạo, mở rộng là 4.270m2 (diện tích cải tạo 2.204m2, diện tích mở rộng 2.066m2).
Tầng 1 của nhà ga bố trí phục vụ hành khách đi và hành khách đến; tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Trước khi nâng cấp, sân bay Điện Biên chỉ có VASCO và Bamboo Airways khai thác bằng máy bay ATR 72 và máy bay phản lực loại nhỏ Embraer 190. Từ ngày 2-12, Vietnam Airlines và Vietjet sẽ khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM với Điện Biên bằng máy bay Airbus A321, A320.
Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Sân bay này có một đường băng dài 1.830m, rộng 30m, được đưa vào sử dụng từ năm 1994, hệ thống trang thiết bị giản đơn, sân đỗ máy bay có 3 vị trí đỗ, nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 khách/năm.
Do hạn chế về hạ tầng và trang thiết bị nên sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72, máy bay phản lực nhỏ như Embraer 190 vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.
Ngày 27-3-2021, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường băng dài 2.400m, rộng 45m; cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương.
Ngày 21-3, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định đóng tạm thời sân bay Điện Biên kể từ ngày 15-4-2023 để thực hiện thi công mở rộng sân bay này.