Không còn chia cách
Sáng 30-11, chính quyền phường Thạch Thang và quận Hải Châu đã triển khai lực lượng phá bỏ bức tường ngăn cách giữa kiệt 211 và 225 đường Đống Đa.
Một tấm băng rôn được người dân treo cạnh đó với nội dung "Hoan hô quyết định của UBND quận Hải Châu, phường Thạch Thang về việc mở thông kiệt 225 kết nối kiệt 211 Đống Đa".
Ông Lê Vinh, tổ phó tổ dân phố 27, nói rằng hàng chục hộ dân vui mừng quá đỗi khi bức tường ngăn cách hai kiệt bị đập bỏ, mở ra một cuộc sống mới.
Theo ông, bức tường này có từ trước năm 1975. Từ đường Đống Đa vào kiệt 225 chỉ dài khoảng 50m, còn kiệt 211 dài hơn 600m.
Hàng chục năm nay người dân rất khó khăn trong việc đi lại khi bức tường nằm "chình ình" chắn ngang hai kiệt như vậy.
Dân đã từng nhiều lần kiến nghị chính quyền phá bỏ bức tường chia cách này.
"Bức tường được tháo dỡ người dân rất thuận tiện đi lại, nhất là trường hợp cứu thương, ma chay hay xảy ra sự cố hỏa hoạn. Bức tường được tháo dỡ thì hai kiệt này không còn là hẻm cụt", ông Vinh nói.
Thấy lực lượng chức năng phá bỏ bức tường, bà Hồ Thị Vân (80 tuổi, kiệt 211) xúc động nói: "Sống đến từng tuổi này đến nay bức tường được tháo dỡ tôi mừng lắm, ủng hộ cả hai tay việc làm này của chính quyền".
Sau một thời gian dùng công cụ tháo dỡ hàng rào thép, đập bỏ tường thì hai kiệt đã được nối thông trong sự reo mừng, vỗ tay của người dân.
Kiệt thông, dân đi lại thuận tiện
Ông Nguyễn Đức Huấn - phó chủ tịch UBND phường Thạch Thang - cho biết bức tường này có từ rất lâu, trải qua bốn đời chủ tịch phường mà chưa tháo dỡ được.
Trong thời gian qua người dân kiệt 211 rất bức xúc trong việc đi lại, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt việc cấp cứu người bị đau ốm.
Chung một tổ dân phố nhưng giữa hai kiệt bị chắn bởi bức tường, trên cơ sở đề nghị của dân, UBND phường thấy hợp lý, một mặt thì tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân hai kiệt và báo cáo lãnh đạo quận.
Sau khi khảo sát thì quận, phường đã họp lấy ý kiến dân và nhận được sự đồng thuận trong việc phá bức tường.
"Hôm nay chúng tôi triển khai lực lượng tháo dỡ để tạo sự thông thoáng trong việc đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống, bởi bức tường nếu không phá bỏ thì hai kiệt trên đều là hẻm cụt. Nếu có sự cố bất trắc xảy ra thì bức tường này gây cản trở", ông Huấn nói.
Tại sao hàng chục năm qua bức tường không được phá bỏ? Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Huấn cho biết theo người dân sống lâu năm ở đây thì khu này trước đây là khu quân cảnh của chính quyền cũ, bên kiệt 211 người dân ở, còn kiệt 225 thì lực lượng quân cảnh sống nên họ xây bức tường này.
Việc bức tường đã có từ lâu nhưng không được tháo dỡ, theo ông Huấn, có lẽ trước đây là khâu tuyên truyền vận động chưa đạt, cộng thêm tình hình cháy nổ, cấp cứu người ốm đau tại thời điểm đó chưa phát sinh.
Bây giờ trở thành nhu cầu bức thiết, thực tế thời gian qua ở cả nước và TP Đà Nẵng xảy ra những vụ cháy tại những nơi không có đường thoát.
"Đây là thời điểm chín muồi, công tác tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận của người dân hai kiệt nên đến nay chúng tôi thực hiện phá bỏ bức tường", ông Huấn nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Duy - phó chủ tịch UBND quận Hải Châu - cho biết việc tồn tại bức tường này là do lịch sử để lại, có từ trước năm 1975. Trước đây kiệt 225 là khu biệt lập của lực lượng quân cảnh của chính quyền cũ, sau đó quân đội ta tiếp quản trở thành khu bố trí cho gia đình quân nhân.
"Quan điểm của quận là đường phải thông, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho dân. Đây là việc làm ý nghĩa đảm bảo an toàn cho người dân", ông Duy nói.
Ông Duy cũng đánh giá cao sự đồng thuận của những hộ dân để mở thông hai kiệt với nhau.
Chính quyền phường Thạch Thang cho biết sau khi phá bỏ bức tường, lực lượng chức năng sẽ cải tạo mặt bằng kết nối hai kiệt để người dân thuận tiện đi lại.
'Cái máy xúc mà biết nói, chắc nó chửi ông lái nó nguyên một đời', một người xem hài hước bình luận.