Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11 (1-15/11), cả nước nhập khẩu 675.795 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 493 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu hơn 11,28 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, tăng 9% về lượng, nhưng giảm 16,82% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Trong 10 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 10,61 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,49 tỷ USD, giá trung bình đạt 800,4 USD/tấn, tăng 8,6% về lượng, nhưng giảm 17,6% kim ngạch và giảm 24,1% về giá so với 10 tháng năm 2022.
Riêng tháng 10/2023, nhập khẩu 1,28 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 957,43 triệu USD, giá trung bình 748,5 USD/tấn, giảm 8,9% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch nhưng tăng 5,5% về giá so với tháng 9/2023.
Theo báo Công Thương, trước đó, năm 2022 Việt Nam nhập siêu sắt thép 3,93 tỷ USD. Như vậy sau lần xuất siêu đầu tiên vào năm 2021, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu trong năm 2022 và 2023.
10 tháng đầu năm 2023, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 6,37 triệu tấn, tương đương trên 4,44 tỷ USD, giá 698,2 USD/tấn, tăng 47,8% về lượng, tăng 3% kim ngạch nhưng giảm 30,4% về giá so với 10 tháng năm 2022; chiếm 60% trong tổng lượng và chiếm 52,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 1,62 triệu tấn, tương đương 1,24 tỷ USD, giá nhập khẩu 761,2 USD/tấn, tăng 6,3% về lượng, nhưng giảm 18,1% về kim ngạch và giảm 23% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm 15,3% trong tổng lượng và chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo là thị trường Indonesia đạt 547.213 tấn, trị giá 936 triệu USD, giá 1.710,5 USD/tấn, tăng 18,9% về lượng, nhưng giảm nhẹ 0,3% về kim ngạch và giảm 16,1% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm 5,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu sắt thép 10 tháng năm 2023 từ đa số thị trường sụt giảm so với 10 tháng năm 2022.
Theo tạp chí Hải quan, ngoài sắt thép, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có nhiều nhóm đạt kim ngạch “tỷ đô”. Đặc biệt, hết tháng 10 có 2 nhóm có kim ngạch lên đến hơn 10 tỷ USD. Lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lên đến 18,85 tỷ USD; nhóm thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 18 tỷ USD.
Minh Hoa (t/h)