Câu chuyện khá gây chú ý xảy ra ở Nhật Bản. Một tài xế xe buýt đã bị cấm lái xe vì đo được nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Yomiuri Shimbun, 1 trong 5 tờ báo lớn nhất Nhật Bản, từng đưa tin: Một tài xế xe buýt thành phố Takatsuki, tỉnh Osaka, đã ăn sáng với bánh mushipan, một loại bánh bông lan nhân đậu đỏ.
Sau khi ăn xong khoảng 15 phút, ông kiểm tra nồng độ cồn trước khi vào ca. Kết quả là máy đo xác nhận nồng độ cồn của tài xế này đạt 0,11mg/lít khí thở.
Mặc dù con số này dưới mức quy định pháp luật là 0,15mg/lít, nhưng lại vượt quá mức 0,07mg/lít của công ty xe buýt.
Dù giải thích không hề uống rượu, chỉ ăn bánh, ông vẫn bị cấm lái xe và bị kỷ luật. Sự việc xảy ra vào cuối tháng 10.
Theo báo chí Nhật Bản, trường hợp này không hề hiếm gặp. Không chỉ mushipan mà cả sandwich, bánh mì, kim chi hay nước tăng lực đều khiến hơi thở có nồng độ cồn lớn hơn 0. Ngay cả nước súc miệng cũng có thể gây ra hiện tượng này.
Hầu hết các thực phẩm có thể khiến hơi thở có cồn. Bởi việc lên men rất phổ biến. Khi tinh bột bị lên men sẽ biến thành đường, rồi thành rượu.
Lượng rượu thực phẩm này rất nhỏ, gần như không thể khiến người ăn bị say. Tuy nhiên các mảnh vụn vẫn có thể dắt răng. Điều đó lý giải vì sao máy đo phát hiện ra hơi thở có nồng độ cồn.
Hầu hết các trường hợp có thể loại bỏ nồng độ cồn trong khí thở bằng cách đánh răng và súc miệng. Nhưng với trường hợp của tài xế xe buýt trên, dù súc miệng hai lần và kiểm tra lại, máy đo vẫn phát hiện vượt mức cho phép.
Người ta cho rằng có thể do thời gian quá lâu, bánh đã lên men trong cơ thể chứ không chỉ còn bám răng như bình thường.
Dù thế nào, tài xế xe buýt không tránh khỏi bị cấm lái và xử phạt theo quy định công ty.
Đây là kiến thức phổ thông trong ngành vận tải. Nhưng nhiều người không biết, nên cộng đồng mạng Nhật Bản rất ngạc nhiên khi câu chuyện được lan truyền.
- Có rượu trong bánh à?
- Một tài xế nói với tôi rằng bánh có thể biến thành "rượu". Thậm chí chỉ cần đánh răng quá gần thời gian kiểm tra cũng có thể bị báo động.
- Có lần sếp tôi quyết định khử trùng máy kiểm tra bằng cồn. Kết quả là hôm đó ai kiểm tra cũng dương tính.
- Vậy là tài xế không thể ăn mushipan à? Tệ quá…
- Tôi làm nghề lái xe tải và được yêu cầu không ăn những thứ như vậy trước khi làm việc.
- Không ngờ tài xế phải cẩn thận với đồ ăn đến vậy.
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế mới quản lý được vì chuyện này ảnh hưởng đến sinh mạng người tham gia giao thông.