Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chỉ khuyến cáo, nhắc nhở dân thực hiện
Ông Nguyễn Thành Lợi - cho biết, thời gian qua, TP.HCM xảy ra nhiều vụ va chạm và tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do chạy xe quá tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ. Qua khảo sát thực tế, đơn vị nhận thấy dù đã có quy định pháp luật về tốc độ trong nội thị nhưng không ít người cố tình vi phạm, nhất là vào khung giờ thấp điểm.
Đặc biệt khu vực trước cổng trường học, bệnh viện, chợ... chưa có cảnh báo cụ thể nên một số khung giơg nếu không giảm tốc độ lưu thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm giữa người đi ô tô, xe máy với người đi bộ.
"Trong điều kiện đô thị đông dân cư, đường sá không thể mở rộng được đủ đáp ứng thì việc giảm tốc độ đi lại của xe cộ giúp mang lại sự an toàn cho mọi người là biện pháp ít tốn kém, khả thi và hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, Ban tiến hành xin chủ trương để rà soát, đánh giá, đề xuất triển khai khuyến cáo người dân đi lại với tốc độ dưới 30km/h khu vực dễ tổn thương như trường học, bệnh viện, chợ... trong từng khung giờ nhất định trong ngày ", ông Lợi nói.
Ông Lợi chia sẻ thêm, nếu chủ trương này được chấp thuận thì Ban An toàn giao thông mới triển khai phối hợp, thực hiện và báo cáo đề nghị cho thực hiện. Ngoài ra, đơn vị không đề xuất chính sách hay hiệp pháp xử phạt nào.
Mục đích lớn nhất là để cảnh báo, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm chỉnh hơn các quy định về tốc độ, Nhất là những khu vực dễ tổn thương góp phần giảm tai nạn giao thông, tăng tính an toàn cho người đi xe đạp, đi bộ.
Có khu vực, khung giờ nhất định
Đại diện Ban An toàn giao thông TP.HCM cũng cho biết trước khi triển khai khuyến cáo người dân, các đơn vị còn khảo sát, lấy ý kiến... áp dụng một số khu vực, tuyến đường, khung giờ nhất định.
Đồng thời vận dụng kinh nghiệm các nước đã thực hiện quản lý tốc độ, đạt được thành quả đáng kể như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Canada, Mỹ...
Một chuyên gia của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho rằng TP.HCM nên thí điểm khuyến cáo này một vài khu vực nhỏ rồi tiếp tục đánh giá, mở rộng.
Theo vị này, từ nhiều năm nay, Liên Hiệp Quốc kêu gọi hạn chế tốc độ trong nội đô dưới 50km/h và 30km/h tại khu dân cư đông, để nâng cao an toàn giao thông đem lại hiệu quả an toàn cao cho rất nhiều quốc gia.
Trả lời câu hỏi liệu việc khuyến cáo giảm tốc độ ở một số khu vực nêu trên có dẫn tới nguy cơ ùn tắc, vị này phân tích đó là hiểu lầm của đông đảo người dân. Ngược lại, giảm tốc độ ở đây không tăng ùn tắc, còn giảm tai nạn và thương vong, đem lại lợi ích kinh tế cao hơn cho xã hội.
Ví dụ, khi đến cổng trường có đông người đi bộ, xe máy đi tốc độ chậm giúp người lái có thêm thời gian phản ứng, ngăn ngừa sự cố xảy ra.
Thời gian trung bình cho phản xạ con người là từ 0,7 - 2 giây. Ở tất cả thành phố lớn của Colombia và trên thế giới, tốc độ cao hơn tăng nguy cơ tử vong, việc giảm tốc phù hợp góp phần giảm đến 62% tỉ lệ tử vong.
Hàng chục ngàn ca vi phạm tốc độ trong năm 2023
Theo thống kê của các đơn vị, trong năm 2022, Việt Nam có gần 80% các vụ va chạm và tai nạn giao thông nghiêm trọng do chạy xe quá tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ.
Riêng tại TP.HCM, 11 tháng đầu năm 2023, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý gần 90.000 trường hợp vi phạm tốc độ (tăng hơn 34.000 trường hợp so với những năm 2022).
Ban An toàn giao thông TP.HCM đang nghiên cứu để đề xuất giới hạn tốc độ đi lại không quá 50km/h trong khu vực đô thị, không quá 30km/h nơi có đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương.