Những nhóm này sau đó móc nối với 1 số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi khoản vay. Thậm chí, 1 số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các ứng dụng, công ty tài chính, ngân hàng sau đó gọi điện đe doạ, mang quan tài, can xăng đến nhà hoặc chỗ làm việc của người vay.
Theo thượng tá Lê Vinh Tùng, nhiều người đi vay cũng lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý các hành vi đòi nợ trái pháp luật của các tổ chức tín dụng đen để cố tình “chây ì” không trả nợ. Nhiều hội nhóm dạy nhau cách "bùng nợ", thậm chí hành hung nhân viên các tổ chức tín dụng chính thống.
Nhiều hội nhóm dạy nhau "bùng nợ" trên mạng xã hội là một phần nguyên nhân khiến nợ xấu vay tiêu dùng tăng cao, các công ty tài chính không dám cho vay, người dân dễ tìm đến tín dụng đen... |
Thượng tá Lê Duy Sâm - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM – khẳng định, sắp tới công an TPHCM sẽ tăng cường xử lý mạnh tín dụng đen để bảo vệ cho hoạt động tín dụng trên địa bàn TPHCM lành mạnh hơn. Ông đề xuất phải nâng mức xử phạt các đối tượng cho vay nặng lãi lên bởi chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chỉ có 2 khung hình phạt: thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng và khung trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ người thu lợi bất chính 100 triệu đồng hay hàng trăm tỉ đồng thì chỉ bị tối đa 3 năm tù.
Đại diện các công ty tài chính thì bày tỏ lo ngại tình trạng "bùng" nợ ngày một gia tăng. Ông Marcin Figlus - Giám đốc Khối quản trị Rủi ro (Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit) - chia sẻ, hoạt động “bùng nợ” có tổ chức trên mạng xã hội đang khiến Fe Credit và các công ty tài chính tiêu dùng khác đối mặt khó khăn. Nhân viên thu hồi nợ bị đe doạ, có người bị xáo trộn tâm lý. Nếu như trong năm 2019 và 2020, FE Credit chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận.
Mặc dù pháp luật hiện hành có những quy định chặt chẽ với người đi vay nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người đi vay coi thường pháp luật. Trong năm 2022 và 2023, Fe Credit đã nộp đơn khởi kiện hàng ngàn khách hàng ra Trung tâm Trọng tài và Toà án nhưng số khách hàng bị khởi kiện chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số khách hàng không thực hiện cam kết trả nợ. Chỉ khoảng 1 nửa số khách hàng đã khởi kiện thành công do thời gian xử và ra phán quyết với 1 vụ kiện như vậy rất lâu, có thể kéo dài tới 12 tháng.
Ông Marcin Figlus đề xuất, cần có giải pháp cụ thể kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay và xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, răn đe đối với những người có hành vi vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Bởi khi nợ xấu gia tăng, các công ty tài chính buộc phải thu hẹp đối tượng cho vay, người dân khó tiếp cận nguồn vốn chính thống sẽ tìm đến tín dụng đen, rút tiền bảo hiểm xã hội, bị lôi kéo them gia các nhóm lừa đảo việc nhẹ lương cao… tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm trên địa bàn TPHCM chỉ tăng 1,4% Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, đến cuối tháng 10/2023 dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt 995.000 tỉ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, thuê, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tỉ lệ cao đạt khoảng 612.000 tỉ đồng, chiếm 64% tổng dư nợ. Riêng tín dụng phục vụ đời sống cá nhân như vay mua ô tô, thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám chữa bệnh, du lịch… đạt 343.000 tỉ đồng, chiếm 34% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó, tín dụng cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 99.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2022. Trong các phương thức cho vay thì cho vay qua thẻ tín dụng đang phổ biến, tăng tới 25% so với các hình thức cho vay khác. Nếu so với những năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2023 khá thấp. Như 10 tháng đầu năm 2022, tín dụng tiêu dùng tăng đến 18,8%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm, người dân không có nhu cầu vay vốn thì tốc độ tăng trưởng tín dụng này là phù hợp. Để khơi thông tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới cần nỗ lực từ cả hai phía, người vay thì xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, tổ chức tín dụng cần làm tốt hơn nữa về thủ tục, lãi suất vay. |
Thanh Hoa