Các giáo viên tại một trường THCS ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình dọn dẹp lại phòng học sau khi lũ rút - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hôm qua 31-10, tại hội nghị ngành giáo dục năm 2020, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phát đi lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ các nhà trường ở miền Trung vượt qua khó khăn và nhấn mạnh việc ưu tiên hỗ trợ sách vở để học sinh có thể trở lại trường học sớm nhất.
Sách vở tiền tỉ tan trong nước lũ
Cô Nguyễn Thanh Nga, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), rưng rưng nói: "Nước vừa rút, tất cả cán bộ, giáo viên đều đã được huy động đi cào bùn, dọn trường lớp.
Học sinh mới quay lại trường được một ngày lại có mấy chục trường bị lụt tiếp vào tận trong phòng học. Sách vở mất, bàn ghế, thiết bị dạy học hỏng. Mọi khó khăn chồng chất phải vượt qua để tái thiết hoạt động".
Theo báo cáo chính thức từ Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT (chưa tính những ảnh hưởng mới từ cơn bão số 9), các trường ở Hà Tĩnh bị ngập ước tính thiệt hại là 26 tỉ đồng, thiệt hại sách vở, dụng cụ học tập... ước tính 3,1 tỉ đồng.
Tại Quảng Bình - tỉnh có 334 trường bị ngập, ước tính thiệt hại 382,8 tỉ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, sau khi đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ sách vở, dụng cụ học tập, Quảng Bình còn thiếu hơn 49.000 bộ SGK, tương đương gần 20 tỉ đồng.
Các nhà trường ở Quảng Trị ước tính thiệt hại khoảng 80 tỉ đồng và 8,3 tỉ đồng sách vở, thiết bị tan theo nước lũ.
Giáo viên Trường mầm non Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi dọn dẹp lại trường học bị ảnh hưởng do bão số 9 (ảnh chụp chiều 31-10) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bão số 9 tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh vừa bị ảnh hưởng nặng nề sau bão số 8 và gây ảnh hưởng lan rộng đến các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.
Nhiều trường học bị tốc mái, sạt lở, hư hỏng do ngấm nước, thiệt hại về vật chất hàng chục tỉ đồng. Tỉnh Quảng Nam thiệt hại khoảng 36,5 tỉ đồng với nhiều trường học bị đổ tường, tốc mái, sạt lở.
Cô Trần Thị Thủy Nga, trưởng Phòng GD-ĐT TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết mặc dù ở địa bàn TP nhưng nhiều trường học cũng bị ngập, thiệt hại rất nặng. Các trường trong khu vực xả lũ hồ Kẻ Gỗ rất có thể sẽ ngập trở lại do ảnh hưởng bão số 9.
Không quần áo khô, chẳng có sách vở
Đến ngày 31-10, khung cảnh ngổn ngang và ngập ngụa trong bùn non vẫn đang tràn lan trên các ngôi làng, nhiều trường học ở huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Hơn 6.600 học sinh ở đây đang phải đến trường trong cảnh khó khăn chồng chất.
Trong buổi sáng 31-10, tất cả người dân ở thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thành Mỹ (huyện Nam Giang) tập trung nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại nằm dọc khe suối, lẫn trong bùn đất để về sử dụng.
Những ngôi nhà bị lũ kéo đổ sập từ ngày 28-10 tới nay bà con phải ngủ trong những nền đất ẩm ướt, mọi đồ đạc đã nằm sâu dưới bùn đất.
Điều xót xa nhất là nhiều học sinh đang phải tới trường trong cảnh không sách vở, quần áo thì lấm lem bùn đất, ám mùi khói sau khi được đưa ra hong khô từ đống bùn đất.
Nhà ông Ka Hiên Đim, vợ là Hoih Thị Ơi bị lũ xé toàn bộ hệ thống cửa, ngập sâu tới nóc. Hai hôm nay, BNước Thời (học sinh lớp 5) và BNước Thị Côi (học lớp 4 Trường tiểu học Thành Mỹ) không có quần áo khô để mặc, sách vở cũng trôi và ngấm bùn hết nên phải đến trường trong cảnh tay trắng.
"Sáng nay hai cháu học bù nên cô giáo gọi điện xuống để mình chở cháu lên trường, nhưng mình bảo là phải cho nghỉ vì sách vở và quần áo ướt hết cả, không còn cái gì. Nghe thế cô giáo bảo cứ lên trường rồi các cô sẽ cho bút vở, quần áo thì giặt sạch và hong lên bếp lửa cho khô" - chị Hoih Thị Ơi nói.
Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) gom sách vở gửi cho học sinh vùng lũ - Ảnh: DOÃN HÒA
Kế bên nhà chị Hoih Thị Ơi, nhà chị BNước Thị Tinh cũng bị lũ kéo sập. Chị Tinh nói hai đứa con học Trường tiểu học Thành Mỹ của chị phải mặc đồ ướt đi học, mấy hôm ngủ trên nền nhà ngấm nước, mái che tôn rách bươm, nước chảy vào nhà nên các cháu khóc quấy.
"Rất may là lúc lũ về mình ôm được mấy cuốn vở, cái cặp và một ít đồ dùng học tập nên sáng nay các cháu có vở để lên lớp, còn sách bút thì trôi hết rồi, chỉ còn biết gửi gắm cho thầy cô thôi" - chị Tinh nói.
Tình cảnh ngổn ngang, sách vở, quần áo rữa ra giữa đất cát và bùn non cũng diễn ra ở những ngôi làng dọc sông Cái dẫn qua huyện Nam Giang. Anh Lê Minh Hiền - tổ 2 Thành Mỹ 1, thị trấn Thành Mỹ - cho biết mấy hôm nay con gái đầu của anh là Lê Hiền Bảo Hân - lớp 6 Trường THCS Thành Mỹ - phải đến trường tay không, quần áo cũng được giặt qua rồi hơ trên lửa, ám mùi khói.
"Cháu lên lớp rồi được cô giáo và các bạn ủng hộ vở, sách cũ để học tạm, chứ giờ mọi thứ trong nhà tôi đều bị lũ vào ngâm no nước" - anh Hiền nói.
Ông Phan Văn Bình, phó chủ tịch UBND thị trấn Thành Mỹ, cho biết gần như hơn một nửa nhà dân ở thị trấn Thành Mỹ ngập sâu trong nước, nhiều nhà sập hoàn toàn nên con em các gia đình nhiều ngày qua đi học mà không có quần áo khô, không sách vở.
"Thấy các cháu quá tội nghiệp nên thị trấn đã xuất kinh phí đột xuất mua cho mỗi cháu vài bộ quần áo, một ít sách vở, đồ ăn, giày dép để đến trường" - ông Bình nói.
40% sách vở học sinh bị ướt, lũ cuốn trôi, dính bùn
Thầy Hoàng Phước Viết, hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Chương (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), cho biết học sinh đã đi học trở lại một tuần nay.
Trước đó trường ngập sâu, bàn ghế và đồ dùng dạy học hư hỏng nặng, học sinh khu vực thôn Ma Nê, thôn Phú Lộc lụt ngập nặng, ngâm hơn 2 tuần khiến sách vở, dụng cụ học tập bị ướt, không thể dùng được.
"Huyện đã hỗ trợ ban đầu hơn 1.000 tập vở trắng cho học sinh. Nhà trường đã thống kê, đề xuất số lượng sách bị trôi, hư hỏng lên Sở GD-ĐT tỉnh có hướng mua lại giúp các em. Nhiều nhà hảo tâm cũng đã đến trường hỗ trợ tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh, giúp công tác dạy học sớm ổn định", thầy Viết chia sẻ.
Tại thị xã Hương Trà, 100% các trường học trên địa bàn đã đi học trở lại sau gần 3 tuần nghỉ học do lụt. Do nằm ở vùng trũng hạ nguồn sông Hương nên Trường THCS Nguyễn Khoa Thuyên (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) có nhiều bàn ghế bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng.
Ngoài ra, thầy Trương Hữu Nghệ, hiệu trưởng nhà trường, cho biết toàn trường có khoảng 40% sách vở học sinh bị ướt, lũ cuốn trôi, dính bùn không thể sử dụng lại.
"Bước đầu các thầy cô trong trường đã quyên góp, kêu gọi bạn bè, cộng đồng hỗ trợ kịp thời số tập trắng mới cho học sinh. Dụng cụ học tập, cặp, sách giáo khoa đang được nhà trường tìm nguồn để hỗ trợ các em. Dù khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm động viên thầy cô, học sinh sớm vượt qua, ổn định hoạt động dạy học", thầy Nghệ chia sẻ thêm.
P.TUẦN
Sửa trường trước rồi tính tiếp
Ông Đỗ Văn Phu, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể trang thiết bị hư hỏng, nhu cầu sách vở sẽ không lớn bởi Quảng Ngãi hứng trận bão lớn nhưng không có lũ lụt, chủ yếu là nhu cầu vật dụng dạy học ngoài trời và các sân chơi cho học sinh mầm non.
Tuy vậy, hơn 60% trường học ở tỉnh này bị hư hỏng sau bão, ước tính hơn 130 tỉ đồng. Cô giáo Bùi Thị Thu Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), cho biết: "Ngoài tốc mái, toàn bộ trang thiết bị dạy và học của trường hư hỏng 100%. Hiện chưa thống kê được. Trước mắt phải khắc phục trường, sau đó tính tiếp đến những vật dụng, sách vở".
Tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết toàn tỉnh có hơn 50.000 học sinh bị hư hỏng sách vở, dụng cụ học tập. Tổng thiệt hại hơn 15 tỉ đồng.
T.MAI
TTO - Gần một tuần sau lũ, nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh Quảng Bình vẫn đang bị tê liệt hoàn toàn bởi hàng chục điểm sạt lở. Ngành giao thông tỉnh này đang cật lực cả ngày lẫn đêm để nối thông đường.
Xem thêm: mth.7340819010110202-naot-ol-gnuc-ia-gnourt-ial-ort/nv.ertiout