vĐồng tin tức tài chính 365

CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ"

2020-11-01 12:36

Bên cạnh những phương cách quản lý điều hành doanh nghiệp nói chung, quản lý và điều hành doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ đòi hỏi cách làm, cách quản lý điều hành riêng, cần tính đến các yếu tố đặc thù của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp công nghệ muốn thành công cần hội tụ được một số yếu tố nhất định, nếu thiếu sự kiên định, đầu tư các nguồn lực không tới thì rất khó có thể làm được các sản phẩm công nghệ.

Tổng giám đốc Công ty VNPT Technology (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam -VNPT), ông Trần Hữu Quyền, chia sẻ về hành trình làm sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Nhà nước với VnEconomy, trong câu chuyện Cà phê cuối tuần.

Ông nói:

- Theo quy định của Luật khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm, hàng hoá từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó có thể hiểu doanh nghiệp công nghệ triển khai nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để làm ra các sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ" - Ảnh 1.

Tổng giám đốc VNPT Technology Trần Hữu Quyền.

Để làm sản phẩm mới, doanh nghiệp cần đầu tư cả về hạ tầng kỹ thuật, đầu tư công nghệ cũng như đầu tư về con người, và đòi hỏi doanh nghiệp cần phải kiên định với mục tiêu sản phẩm. Đương nhiên là sản phẩm cần phải tiếp cận xây dựng sản phẩm một cách cầu thị tôn trọng thị trường.

Tùy thuộc mức độ phức tạp của sản phẩm, cũng như hàm lượng công nghệ của sản phẩm, mức độ làm chủ công nghệ, mức độ ứng dụng công nghệ mà quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư về con người, công nghệ, tài chính và các nguồn lực khác ở mức độ phù hợp. Tuy nhiên, nếu mức độ đầu tư chưa tới, thì không thể đi được đến đích làm được sản phẩm, dẫn đến kết quả là hiệu quả đầu tư không có.

Thậm chí, nếu không đầu tư đủ thời gian cho làm sản phẩm thì cũng không thể làm được sản phẩm đúng nghĩa, nếu đưa những sản phẩm còn non, chưa tới, chưa đảm bảo có thể đưa ra thị trường thì doanh nghiệp sẽ trả giá rất lớn sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, nghiêm trọng hơn có thể đe doạ đến sự sinh tồn của doanh nghiệp.

Một điểm nữa, không thể đòi hỏi sản phẩm làm ra là có thể đem lại lợi nhuận lớn ngay được. Cần phải xem chi phí bỏ ra để làm sản phẩm mới là chi phí đầu tư, nếu xem những chi phí đó như là chi phí trực tiếp thì không phù hợp.

VAI TRÒ DẪN DẮT CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thực tế, lâu nay, doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghệ được xem có những khó khăn, bất lợi so với doanh nghiệp công nghệ tư nhân như không linh hoạt, nhạy bén hay năng động bằng, do chịu nhiều quy định, thưa ông?

Tôi nghĩ, nếu xét ở góc độ vận hành thị trường, thì doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể ở đây là doanh nghiệp công nghệ không có khó khăn gì cả, cũng bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhà nước cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ" - Ảnh 2.

"Không phải bất kỳ sản phẩm công nghệ nào doanh nghiệp có vốn góp nhà nước cũng có thể làm được".

Một mặt doanh nghiệp Nhà nước chịu sự giám sát và quản lý vốn, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư nghiêm ngặt hằng năm từ các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi các chi phí cho các dự án phát triển sản phẩm công nghệ phần lớn khó có thể hoàn thành sản phẩm mẫu trong chu kỳ giám sát hàng năm, thậm chí có thể một số năm mới đem lại kết quả, hiệu quả đối với chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ đã được chi ra.

Điều đó đồng nghĩa với việc không phải bất kỳ sản phẩm công nghệ nào doanh nghiệp có vốn góp nhà nước cũng có thể làm được, bởi các chi phí cho phát triển sản phẩm, đặc biệt đối với phát triển các sản phẩm công nghệ, với đặc tính vốn có cần triển khai trong khuôn khổ các dự án đầu tư rủi ro cao, có vòng đời phát triển sản phẩm dài, có thể phải mất một số năm mới có thể đem lại hiệu quả.

Trong khi doanh nghiệp tư nhân, nếu chủ sở hữu doanh nghiệp chấp nhận mức độ rủi ro có thể quyết định đầu tư tạo lợi thế cơ hội có được lợi nhuận cao, hoàn toàn có thể quyết định cho các dự án phát triển sản phẩm công nghệ một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, với việc tuân thủ quản lý từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động trong doanh nghiệp có vốn góp nhà nước không thể linh hoạt và năng động như các doanh nghiệp tư nhân khi các doanh nghiệp này chỉ cần tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và các định chế pháp lý hiện hành, mà doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước đương nhiên cần tuân thủ.

Mặt khác, với vai trò định hướng, dẫn dắt trong lĩnh vực của mình, doanh nghiệp Nhà nước thường có quy mô lớn, có năng lực làm được các sản phẩm, nhóm sản phẩm công nghệ quy mô.

Tuy nhiên dù là doanh nghiệp có vốn góp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, nếu không kiên định với mục tiêu phát triển sản phẩm, không tuân thủ các thuộc tính vốn có của việc phát triển sản phẩm, đặc biệt sản phẩm công nghệ thì chắc chắn không bao giờ có thể làm được sản phẩm phục vụ khách hàng, có chăng chỉ là sản phẩm thử nghiệm, dạng kết quả của các bài tập lớn trong đại học.

Thực tế cho thấy, quốc gia muốn có được những sản phẩm công nghệ, cần có sự dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước.

Nếu chiếu theo những quy định và khó khăn như vậy thì có nghĩa doanh nghiệp Nhà nước về sản xuất sản phẩm công nghệ khó có cơ hội phát triển?

Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay cũng đang có những khó khăn, bất cập nhất định, như hoạt động chưa linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân, triển khai một số hoạt động, đặc biệt là đầu tư chậm so với doanh nghiệp tư nhân do cần tuân thủ các định chế pháp lý về quản lý hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước,...

Điều đó không có nghĩa là các định chế quản lý này làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước, mà ngược lại sự quản lý chặt chẽ đó cũng giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra các quyết định phù hợp, giảm thiểu rủi ro. Đương nhiên rủi ro tỷ lệ nghịch với lợi nhuận, điều này các nhà quản lý cần lưu tâm.

MONG ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHƯ DOANH NGHIỆP BÌNH THƯỜNG

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và giới chuyên gia kinh tế thường xuyên kêu ca, lên tiếng về việc bị hành chính hóa, nhưng gần như không thấy VNPT Technology than phiền dù gặp nhiều khó khăn như ông dẫn chứng ở trên. Phải chăng đó là một sự... chấp nhận? 

Thật ra kêu cũng có được gì đâu. Chúng tôi gần như rất ít kêu ca về những khó khăn đó mà chỉ cố gắng biến khó khăn đó thành lợi thế cho mình, và phải có mục tiêu của mình.

Đương nhiên làm doanh nghiệp thì phải tôn trọng các định chế pháp lý. Với doanh nghiệp tư nhân chỉ cần thế là xong. Không vi phạm pháp luật, không trốn thuế..., còn lại lỗ lãi là do mình chịu.

CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ" - Ảnh 3.

"Chúng tôi gần như rất ít kêu ca về những khó khăn đó mà chỉ cố gắng biến khó khăn đó thành lợi thế cho mình, và phải có mục tiêu của mình".

Nhưng với doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước, cần thêm nhiều thứ khác nữa, như sự tồn vinh và phát triển của doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động, trách nhiệm xã hội, ... và đặc biệt là vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc định hình và dẫn dắt các mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một lĩnh vực đầu tư rủi ro, hiệu quả ngắn hạn thường rất kém.

Nói vậy chứ việc đặt ra nhiều quy định, thủ tục đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước cũng là để bảo vệ nguồn vốn, tài sản của nhà nước, để chống thất thoát, hay không hiệu quả? 

Vậy thì tôi mới nói quản lý vốn phải chặt chẽ. Anh quản lý phải hiệu quả, phải tường minh.

Ví dụ tôi cấp cho anh 1 triệu USD để đầu tư, thì cứ đặt ra quy định tăng trưởng không thể thấp hơn so với lãi suất ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định. Anh nào làm được thì giơ tay, còn thấy khó thì thôi.

Chỉ cần quy định thế thôi, còn lại cứ để doanh nghiệp hoạt động đúng như doanh nghiệp vốn phải làm, tự chịu trách nhiệm, đầu tư cái gì, mua bán cái phải có dự án phân tích hiệu quả, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Hai nội dung như vậy phải độc lập, chứ không giờ vẫn nhì nhằng thì doanh nghiệp khó mà hoạt động hiệu quả được.

Thực tế các tập đoàn lớn trên thế giới, định chế pháp lý của họ còn chặt hơn mình nhiều nhưng ở chỗ họ tường mình. Cái gì quản lý đúng cái đấy, quản lý vốn là chỉ đánh giá hiệu quả về vốn.

Dù ông nói không kêu ca gì, nhưng nếu phải kiến nghị để những khó khăn thủ tục, quy định hành chính đối với doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ như VNPT Technology, theo ông những quy định gì cần thay đổi? 

Đơn giản thôi, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp và đối xử với doanh nghiệp Nhà nước như đối xử với doanh nghiệp bình thường và đừng bắt doanh nghiệp Nhà nước phải chịu những cái đối xử ngoại lệ hơn doanh nghiệp bình thường. Còn lại quản lý hiệu quả vốn độc lập.

Hiện nay doanh nghiệp Nhà nước đang được quản lý chặt hơn tư nhân rất rất nhiều.

CẦN KHOẢNG ĐẶC THÙ CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ

Xin hỏi thêm ông rằng, cách đây chưa lâu Thủ tướng có ký chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong đó đặt mục tiêu Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Chắc chắn mục tiêu này sẽ không thể tách khỏi vai trò của các doanh nghiệp công nghệ Nhà nước. Theo cá nhân ông, liệu những khó khăn như ông kể trên có là thách thức cho mục tiêu này không? 

Tôi nghĩ ở tầm vĩ mô, khi mình cần phải phát triển một lượng các doanh nghiệp công nghệ thì đầu tiên cần tiếp cận từ nội hàm của doanh nghiệp công nghệ, nó vẫn là doanh nghiệp nhưng phải có khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ. Sau đó đến từng ngành cụ thể một, công nghệ thông tin, trong nông nghiệp, sinh học...

CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ" - Ảnh 4.

"Làm sản phẩm công nghệ cần dài hơi và kiên định. Nếu không kiên định và đi tới đích thì gần như toàn bộ đầu tư là mất trắng".

Doanh nghiệp công nghệ do vậy phải được định nghĩa rất sâu, chi li từ mức độ quản lý vĩ mô, cấp ngành, đến từng tập đoàn, doanh nghiệp, từng nhóm...

Còn với doanh nghiệp công nghệ hay làm sản phẩm công nghệ thì đây là một dạng dự án rủi ro, nếu không chấp nhận được rủi ro thì không thể làm được sản phẩm. Thứ hai, làm sản phẩm công nghệ cần dài hơi và kiên định. Nếu không kiên định và đi tới đích thì gần như toàn bộ đầu tư là mất trắng.

Đối với VNPT Technology thì sao? Định hướng về sản xuất sản phẩm công nghệ của các ông trong thời gian tới đây là như thế nào? 

Chúng tôi vẫn tập trung vào phát triển nền tảng, và sản phẩm là thiết bị. Chỉ có hai thứ đấy. Nền tảng là ứng dụng cho viễn thông và nền tảng cho doanh nghiệp đóng góp vào cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Xem thêm: mth.87284018010110202-ehgn-gnoc-peihgn-hnaod-ohc-uht-cad-gnaohk-nac-ygolonhcet-tpnv-oec/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“CEO VNPT Technology: "Cần khoảng đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools