Dự kiến ngày mai (2/11), TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng.
Theo nội dung vụ án, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, từ năm 2008 đến 2016, ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT BIDV) đã có hàng loạt sai phạm, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho doanh nghiệp “sân sau”. Ông Hà đã chỉ đạo những cán bộ dưới quyền cho Cty Bình Hà và Cty Trung Dũng vay tiền dù cả 2 doanh nghiệp đều không đủ điều kiện cấp tín dụng, dẫn đến BIDV bị thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng.
Thu hồi vốn trong 8 năm?
Bảo về quyền lợi cho BIDV, bị hại trong vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm, về số dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng tại Cty Bình Hà, người nào vay đương nhiên phải trả. Trước khi khởi tố vụ án, BIDV đã thấy được nguy cơ dự án chăn nuôi bò của doanh nghiệp này nên đã có phương án tái cơ cấu và bước đầu có kết quả.
Sau khi vụ án bị khởi tố, Cty Bình Hà tiếp tục có yêu cầu được tổ chức lại hoạt động và đã có phương án hợp tác kinh doanh để khôi phục lại dự án. Yêu cầu này của doanh nghiệp cũng đã được cơ quan điều tra chấp thuận, tạo điều kiện. Hiện tại, Cty Bình Hà đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Về khả năng thu hồi số tiền thất thoát, theo luật sư Thiệp, Cty Bình Hà cùng nhóm nhà đầu tư mới DoHoldings đã và đang thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo hợp đồng, nhóm đối tác sẽ trả tiền hàng năm cho Cty Bình Hà để doanh nghiệp trả nợ ngân hàng.
“Theo tính toán, Cty Bình Hà sẽ trả hết toàn bộ nợ gốc cho BIDV trong vòng 8 năm” - luật sư Thiệp nhận định.
Cũng theo vị luật sư này, việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh của Cty Bình Hà được đặt dưới sự giám sát và BIDV có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay.
Về số tiền thất thoát tại Cty Trung Dũng, luật sư Thiệp viện dẫn, đến cuối năm 2011, Cty Trung Dũng được đánh giá xếp hạng tín dụng loại AA và A, luôn trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn với doanh số vay, trả lớn và trở thành khách hàng truyền thống, uy tín tại BIDV.
Từ năm 2012 đến 2014 là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế. Cty Trung Dũng hoạt động kinh doanh thép nên không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Khi phát hiện Cty Trung Dũng có dấu hiệu không trả được nợ, BIDV đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc cấp tín dụng, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc chi nhánh Hà Thành thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. BIDV đã tiến hành xử lý tài sản bảo đảm được hơn 358 tỷ đồng. Đến hết tháng 12/2019, dư nợ của Công ty Trung Dũng tại BIDV là hơn 967 tỷ đồng.
Luật sư của BIDV đề nghị cơ quan tố tụng buộc Cty Trung Dũng phải tiếp tục trả gốc và lãi theo các hợp đồng tín dụng đã ký.
Về số tiền hơn 263 tỷ đồng bị Đoàn Hồng Dũng (Giám đốc Cty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (Giám đốc Cty Hà Nam) chiếm đoạt, BIDV đề nghị tòa buộc các bị cáo này phải bồi thường đầy đủ.
Truy vết dòng tiền thất thoát
Tự bào chữa tại tòa, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa không đồng tình với việc cơ quan tố tụng cáo buộc ông và bị cáo Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) tham gia tích cực trong sai phạm tại Cty Bình Hà.
Theo ông Hòa, nếu ông và bị cáo Vân Anh tham gia tích cực, số vốn giải ngân cho dự án dài hạn không thể dừng lại ở con số 950 tỷ mà phải là 2.000 tỷ. Bởi khi đó khách hàng đã có rất nhiều hồ sơ đến để đề nghị thanh toán, ứng vốn nhưng BIDV Hà Tĩnh đã kiên quyết từ chối không cho vay tiếp.
“Nếu bị cáo và bị cáo Vân Anh tham gia tích cực thì ông Đinh Văn Dũng không thể có đơn gửi ông Trần Bắc Hà để tố cáo bị cáo và cán bộ chi nhánh Hà Tĩnh là không giải ngân cho dự án.” - ông Hòa nói.
Tham gia phiên tòa với tư cách đại diện bị hại, bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế BIDV) đồng tình với quan điểm tranh luận của luật sư Nguyễn Huy Thiệp. Đại diện BIDV cho rằng, các bị cáo trong vụ án thực chất cũng chỉ là những người làm công ăn lương, làm theo chức trách, nhiệm vụ được phân công theo quy trình, quy định và họ đều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, đều mong muốn khoản vay tốt đạt hiệu quả, lợi nhuận cho ngân hàng.
Theo bà Phương, các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng không vì động cơ, mục đích tư lợi và cũng không được hưởng lợi gì nhưng lại luôn phải chịu áp lực rất lớn từ công việc. Trước ngày bị khởi tố, các bị cáo đều là những nhân tố tích cực, nỗ lực kinh doanh có hiệu quả, tăng doanh lợi cho BIDV xử lý rủi ro đối với 2 khoản nợ liên đến vụ án. Đến nay, 2 khoản nợ này không còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính của BIDV cũng như ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng.
Đối với bị cáo Lê Thị Vân Anh, đại diện BIDV nhìn nhận, đây là nữ bị cáo duy nhất trong số các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng ở vụ án này và được tại ngoại. Thời gian qua, bị cáo này vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành hết tâm sức truy vết dòng tiền của các hành vi phạm tội với số lượng lên đến hàng ngàn bút toán kế toán cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng.
“Việc làm của bị cáo là nhân tố tích cực, chủ lực giúp cơ quan chức năng làm rõ bản chất phức tạp của vụ án, thu hồi cho BIDV với số tiền lên đến 207 tỷ đồng. Hiện nay, bị cáo vẫn đang tiếp tục nỗ lực phối hợp hiệu quả để làm rõ bản chất vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cty Bình Hà đang điều tra.” - đại diện BIDV đánh giá.
Tiến Nguyên