Thôn 3 Phước Lộc với những cánh rừng già quanh làng được người dân giữ gìn giờ đã không còn nữa - Ảnh: NG.DƯƠNG
Giữ rừng vàng
Cho đến khi chúng tôi viết những dòng này, xã Phước Lộc đã bị cô lập nhiều ngày. Nhanh nhất phải một tháng thì phương tiện cơ giới mới lấp xong đống đất đá do lở núi gây ra.
Thôn 3 nơi có 11 người mất tích trong tổng số 13 người trong xã bị núi vùi lấp cũng bặt tin sau những cánh rừng già thăm thẳm từ khi chiếc điện thoại kết nối vệ tinh duy nhất của xã hết pin.
Sau bão số 9, thăm thẳm đồi núi nhìn đâu cũng thấy những vết sẹo đỏ cứa lên nền xanh của núi rừng vì sạt lở nặng. Từ trung tâm huyện về xã Phước Lộc hơn 50km nhưng mới được nửa đường thì đứng bánh.
Điểm dừng xe cuối cùng vào nơi bị cô lập là thôn 2 Phước Công bùn đá lở chắn ngang đường. Anh Tâm, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Phước Công, dẫn chúng tôi cắt rừng vào khu vực các công nhân thủy điện mắc kẹt.
Nhìn từng mảng xanh đổ chài xuống vực, anh lắc đầu chép môi: "Toàn rừng già ngàn đời không ai đụng tới. Ấy vậy mà vẫn sạt lở liên hồi đợt mưa bão vừa qua anh ạ".
Những cánh rừng Phước Sơn được tiếng phong phú hơn Tây Nguyên vì thảm thực vật tự nhiên chưa bị bàn tay con người động chạm nhiều. Phước Lộc theo cách miêu tả của anh Tâm là một trong những thảm tự nhiên được giữ tốt nhất mà những cán bộ khuyến nông khuyến lâm đều nhìn về như một tấm gương.
Theo anh Tâm, trong nhiều năm qua người dân ở đây giữ rừng theo đúng lời dặn "rừng vàng biển bạc" của Bác Hồ. Đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng bởi ở đây ngoài khai thác mật ong tự nhiên bà con còn "lôi" ong về làng bằng nghề nuôi ong trong bộng.
Gần như tất cả các hộ dân thôn 3 đều có nguồn thu nhập chính từ những "giọt vàng" của mật ong nhờ cách xây nhà cho ong rừng trên từng gốc cây.
Làng em trôi rồi, nhà em không còn ai nữa. Em không có chỗ đi về nữa
Hồ Văn Lan, học trò Trường phổ thông dân tộc nội trú Phước Sơn, có nhà ở thôn 3, xã Phước Lộc
Nhà em Hồ Văn Lan ở thôn 3 Phước Lộc bị vùi lấp. Nhà có 4 thành viên thì em gái và bà ngoại đã mất, mẹ Lan vẫn chưa được tìm thấy - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Anh Nguyễn Hồng, một chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Phước Công kế bên, kể sau mùa xuân, cứ dăm ba bữa lại chạy xe vào Phước Lộc tìm mật thôn 3. Những năm gần đây, nhờ đề án phát triển thương hiệu mật ong Phước Lộc mà những thương lái như anh thường xuyên có dịp ghé vào đây.
Anh Hồng là người rõ hơn ai hết sự thay da đổi thịt của thôn này khi đời sống người dân khấm khá lên. Nhờ nghề lấy mật ong do cha ông truyền lại, trước thì lấy mật ong đem đổi gạo muối, nay khi nhiều người biết đến danh tiếng đồng bào ở đây đã sắm vật dụng gia đình, mua được xe tay ga.
Là đại lý thu mua cỡ bự trong vùng, anh Hồng thừa sức phân biệt mật ngon, mật dở. Hàng đểu qua pha chế hay hàng "rin" đều không qua mắt được chiếc lưỡi sành nghề của anh.
"Người dân làng chăm chút nên ở đó sạch đẹp lắm. Đặc biệt là cây xanh phủ quanh năm, có trồng được cả bắp su vì thời tiết đẹp. Họ thật thà lắm nên mật ong cũng thật như người. Vậy mà..." - anh Hồng bỏ lửng câu nói rồi quay đầu nhìn về phía dòng sông Đắk Mi nối về hướng những người bị cô lập.
Tìm đường đưa hàng vào nơi bị cô lập - Ảnh: QUỐC ANH
Chờ tia hi vọng
Từng làm nhiều phóng sự truyền hình ở Phước Lộc, anh Trọng Ý phải thừa nhận hiếm có làng nào cây xanh phủ khắp làng như nơi này. Từng thước phim dưới rừng già đầy âm thanh gió rừng xô cây và tiếng vo ve của những đàn ong.
Xã Phước Lộc ngoài việc khai thác mật ong trong rừng tự nhiên, người thôn 3 đều nắm kỹ thuật dẫn dụ ong về cây nhà.
Dưới mỗi gốc cây trong làng, họ khoét những hồ sao cho vừa đủ để cây sống khỏe nhưng lại đủ chỗ cho ong làm tổ rồi dẫn dụ về. Để đàn ong không bị quấy rầy, họ lắp thêm viên đá lớn ở ngoài hố khoét mà người dân ở đây gọi là bộng.
Cứ mùa xuân đến, khi cây làng xanh mượt, họ lại nới rộng tổ của đàn ong thêm một ít. Đến cuối xuân mật đã đều, họ lần dở từng phiến đá để khai thác. Trong thôn người ít thì vài chục gốc cây (mỗi gốc cây một bộng), còn người nhiều thì ôm cả trăm cây. Mỗi nhà ai cũng có vài chục lít trong nhà dự phòng khi ốm đau.
Cứ thế người nhờ mật cho ong. Ong nhờ cây che tổ. Người thôn 3 chịu ơn những gốc cây rừng ở đây, không hề có chuyện chặt đốn cây bừa bãi.
"Cây làm được bộng phải đủ lớn để ong làm tổ và đủ độ cứng thì dân mới dám đục. Bộng càng lớn thì mật càng nhiều, chính vì thế cây ở làng này không mất đi mà ngược lại ai cũng yêu quý, chăm cho cây mau xanh tốt" - anh Ý phân tích.
Dân thôn 3 Phước Lộc trân quý từng gốc cây đã che chở cho những bầy ong lấy mật - Ảnh: NG.DƯƠNG
Vậy mà tai họa từ trên trời ập xuống. Mấy hôm nay qua tổng hợp thông tin từ điện thoại vệ tinh của chủ tịch UBND xã Phước Lộc gọi về cũng như lực lượng trinh sát biên phòng cho hay những ngôi nhà ở đó đã bị san phẳng bởi những vụ sạt lở.
Cây cối, nhà cửa trộn lẫn vào bùn non. Anh Trọng Ý cứ liên hồi tìm đường ra vào cầu Khỉ, điểm cuối còn đi được trên đường vào với vùng đất đầy mật ngọt. Nhưng dòng chảy tin tức từ hiện trường im bặt.
Mọi dòng tin đọng lại ở ngày 29-10 khi xã báo ra mới tìm được thi thể của 5 trong số 11 người thôn 3.
Dẫu biết trong niềm đau thấu trời, nhiều người từng có dịp đến với Phước Lộc vẫn cố cầu mong chút hi vọng thần rừng sẽ ban ân huệ cho những người ngày ngày giữ rừng.
Cầu Khỉ, điểm cuối thôn 2 xã Phước Công. Từ đây còn 26km đường sạt lở nặng sẽ tới xã Phước Lộc - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
TTO - Đang học ở trung tâm thị trấn cách nhà 50 cây số, liên tiếp hai học sinh xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bật khóc khi nhận được hung tin. "Cả làng trôi mất, nhà em không còn ai", học sinh Hồ Văn Lan nức nở.
Xem thêm: mth.97612515110110202-togn-tam-tad-gnuv-o-uad-ion-nos-couhp-o-nan-pag-iougn-31/nv.ertiout