Trong suốt nhiều tháng qua, việc phát triển và phân phối vắc-xin Covid-19 luôn là vấn đề mấu chốt của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ngày 3 tháng 11 tới đây. Ngoại trừ hàng triệu người đã nhiễm, những thanh niên cho rằng nhiễm virus là chuyện nhỏ, và nhóm "bài trừ vắc xin" điên cuồng thì tất cả người dân Mỹ đều đang hồi hộp chờ đợi vắc xin.
Tôi là một trong những người Mỹ đang ngóng chờ tin tốt - Vắc xin là giấc mơ đưa tôi về ngôi nhà ở Việt Nam. Điều tôi mong mỏi hàng ngày là được thực sự cảm nhận thanh vị cuộc sống trên đường phố Hà Nội chứ không phải trong tầng hầm của căn nhà vùng ngoại ô nước Mỹ như bây giờ.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin, dự án có tên gọi "Operation Warp Speed ", lấy cảm hứng từ động cơ warp trong bộ phim truyền hình dài tập "Du hành giữa các vì sao" ra đời. Tổng thống Donald Trump đã chi hàng tỷ đô la cho một số công ty dược phẩm ở Mỹ và Anh để phát triển một loại vắc xin hiệu quả, sau đó sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, hy vọng rằng dự án này thành công.
Ý tưởng của dự án này là nếu nhiều công ty sản xuất nhiều loại vắc xin khác nhau với số lượng lớn thì thế nào cũng có loại hiệu quả và cung cấp đủ cho mọi người dân. Sáng kiến này sẽ rút ngắn quy trình sản xuất vắc xin từ nhiều năm xuống còn một năm.
Quá nóng ruột về việc này, ông Trump đã liên tục đưa ra các tuyên bố về ngày vắc xin chính thức được lưu hành - đầu tiên là tháng 8, sau đó là tháng 9, 11, 12 và bây giờ là vào đầu năm 2021.
Giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm, trong tâm thế háo hức công bố tin mừng và khao khát hàng tỷ đô la trợ cấp được chính phủ Mỹ bơm ra với tốc độ chóng mặt, đã tích cực hợp tác với ông chủ Nhà Trắng. Thông điệp của họ đến công chúng là các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành đúng tiến độ và việc chính phủ phê duyệt vắc xin đang trong tầm tay.
Các cơ quan y tế liên bang — Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) — hai cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt vắc xin, cũng tỏ ra rất tích cực, không quên kèm theo những cảnh báo, đề phòng, bác bỏ, và cả những thông tin bất nhất. Thông điệp của các cơ quan này được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ hành chính đặc trưng: một thông báo nhưng người đọc có thể hiểu là họ phê chuẩn cũng được, mà hiểu là không phê chuẩn cũng vẫn đúng. Chính vì vậy, người đọc cứ việc hiểu theo cách mình muốn!
Trong diễn biến đó, đối thủ phe Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Biden, quyết định rằng chiến lược tranh cử tốt nhất dành cho ông lúc này là phản bác lại "câu chuyện về tiến trình phát triển vắc xin". Để cho ông Trump thành "Tổng thống trọn đời" hoặc thậm chí có thể là "Đế vương" chỉ vì vắc xin ư? Không đời nào phe Dân chủ chịu ngồi yên mà chứng kiến việc này!
Và thế là ông Biden và bà Kamala Harris phản pháo lại với tuyên bố họ sẽ không tiêm loại vắc xin được sản xuất trong dự án đẩy nhanh tiến độ của ông Trump. Lý lẽ mà họ đưa ra là ông Trump sẽ sẵn sàng quảng bá cả loại vắc xin chết người chỉ để giành phiếu bầu. Điều trớ trêu ở đây là người chết rồi thì thường sẽ không bỏ phiếu được nữa, (ngoại trừ ở một số bang do phe Dân chủ kiểm soát). Ở đó, việc như vậy được chấp nhận!
Sau đó, liên danh Biden-Harris lại đưa ra một tuyên bố mới: họ sẽ tiêm vắc-xin nếu "khoa học" – trong trường hợp này là các cơ quan liên bang – khẳng định sự an toàn. Nhưng tuyên bố này vừa ra đời đã chết yểu khi họ bắt đầu tin rằng "các nhà khoa học" đã nhượng bộ trước áp lực của ông Trump và phê chuẩn một loại vắc xin gây chết người.
Có chút trớ trêu ở đây: các bản tin vào thời điểm đó cho rằng các nhà khoa học trong các cơ quan liên bang cố tình "trì hoãn" tiến trình phê duyệt vắc xin nhằm khiến ông Trump "mất điểm" trước khi bầu cử diễn ra.
Không nản lòng, ông Biden đề xuất động thái tiếp theo: ông sẽ thiết lập một hội đồng đặc biệt bao gồm các chuyên gia đầu ngành để sau ngày bầu cử, hội đồng này sẽ cho ông biết là vắc xin có an toàn hay không.
Ý tưởng về hội đồng chuyên gia của ông Biden quả là một ý tưởng không thực tế. Chờ làm theo cách này thì nước Mỹ có khi chẳng còn ai sống sót để đi tiêm vắc xin trừ những người chịu khó trốn kỹ dưới tầng hầm (!). Ngoài ra, các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng, thật tình cờ, các chuyên gia hàng đầu thế giới lại làm cả cho chính quyền của ông Trump mất rồi.
Vậy thì lại có tiếp ngay một ý tưởng khác: hãy để thống đốc các tiểu bang thành lập các hội đồng chuyên gia để đánh giá vắc xin. Thống đốc tiểu bang California và New York ủng hộ ngay lập tức. Khó mà có chuyện tất cả 50 tiểu bang sẽ đều tự thực hiện xét nghiệm.
Một vấn đề còn đang bỏ ngỏ là các hội đồng chuyên gia do thống đốc của phe Dân chủ chỉ định và các hội đồng chuyên gia do thống đốc của phe Cộng hòa chỉ định làm sao có thể đạt được đồng thuận trong đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Vậy bước tiếp theo là sẽ phải chỉ định một "siêu hội đồng" hoặc một "uỷ ban hòa giải quốc gia" để giải quyết bất đồng này.
May ra thì những "lời qua tiếng lại" về vắc xin sẽ khép lại trước khi xảy ra một đại dịch mới— hoàn toàn không liên quan gì đến Covid-19 - khiến hành tinh tiếp tục điêu tàn. Và quan trọng hơn, những tranh cãi này kiểu gì cũng sẽ khép lại trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, khi ông Trump và ông Biden, lúc này không còn ai để ý đến tuổi tác nữa, lại tiếp tục so găng.
Trong cái rủi lại có cái may khi các nhà khoa học khắp thế giới coi tất cả các hội đồng này là nơi làm việc suốt đời. Và họ không thực sự phải phát triển vắc xin. Một chuyên gia phản đối điều này – thông tin này hoàn toàn có thật – cho rằng các nhà khoa học ăn lương nhà nước thì phải xắn tay áo lao vào phòng thí nghiệm mà bào chế vắc xin chứ không phải cứ ngồi đó mà nói.
Kinh phí của các "hội đồng" này sẽ rất cao, vì vậy các tiểu bang đang yêu cầu chính quyền liên bang trích ngân sách chi trả cho toàn bộ xét nghiệm. Khoản nợ quốc gia hiện tại đã là 27.000.000.000.000 USD thì thêm vài tỷ nữa có là gì.
Trong khi đó, các công ty dược phẩm đã được chính phủ cấp hàng tỷ USD để sản xuất vắc xin giờ lại có vẻ như đang suy nghĩ lại về thời điểm đưa ra lưu hành loại vắc xin khả thi. Họ đang tính đến việc cho lưu hành một loại vắc xin để tiêm cho đội ngũ ứng cứu đầu tiên; nhóm những người cực kỳ dễ tổn thương, người cao tuổi và những người có bệnh nền; và các nghị sỹ Dân chủ. Những người còn lại sẽ phải chờ đến cuối năm 2021. Rõ ràng, các công ty này chỉ vừa mới nhớ ra rằng mọi người dân Mỹ đều có khả năng kiện họ nếu việc tiêm phòng có biến cố gì. Nếu có tình huống đó, bao nhiêu tỷ USD cũng có thể dễ dàng bốc hơi.
Sự thực là, lại một lần nữa, chính trị virus của một cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ có lẽ đã phá hủy mất ý tưởng chính sách tuyệt vời nhất từng được thực hiện từ trước đến giờ – chiến dịch đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin "Operation Warp Speed".
Nhưng vẫn có cách khắc phục đây: Có lẽ Mỹ nên bỏ cuộc và mua vắc xin của Trung Quốc và Nga. Có gì là sai đâu!
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại