Ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn với các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tại sao liên tục xảy ra sạt lở
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đề xuất Bộ Tài nguyên môi trường cần có bản đồ chi tiết các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để địa phương có những biện pháp di dời dân, ứng phó khi bảo lũ.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết từ năm 2012, Bộ đã triển khai nghiên cứu 2 đề tài gồm "Lũ quét ở các địa phương miền núi có nguy cơ cao" và "Sạt lở đất ở các địa phương miền núi có nguy cơ cao".
Hiện trường vụ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng, xã Phong Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế, khiến 17 công nhân tử vong và mất tích
"Các nghiên cứu này đã giao cho địa phương và đài khí tượng thuỷ văn để có cảnh báo đến các địa phương vào mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, đây là tỉ lệ nghiên cứu 1/50.000 nên chưa đi vào chi tiết các quy luật liên quan, lượng mưa nên hầu hết chỉ có yếu tố cảnh báo, chưa có dự báo", Bộ trưởng Hà nói.
Theo bộ trưởng Hà, những vụ sạt lở đất ở miền Trung thời gian gần đây đều có yếu tố nội sinh rất rõ ràng. Cụ thể, những vùng này đều từng xảy ra sạt lở và nằm trên dải đứt gãy đã được xác định. Đất đá ở khu vực này hình thành vùng phong hoá lớn, đất đá vỡ vụn, chủ yếu là cát, bùn sét.
"Nguyên nhân nội sinh có thể nói là nguyên nhân chính gây sạt lở", ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng cho rằng thảm thực vật ở các khu vực vừa xảy ra sạt lở là cây công nghiệp, cây lương thực chiếm từ 60 đến 100%. Mặc dù vậy, ở vị trí sạt lở Trà Leng là nơi dân cư sinh sống hàng chục năm, độ phủ cây rừng đầy đủ nên nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do yếu tố ngoại sinh.
Tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
"Trong 20 ngày có 4 cơn bão, 1 áp thấp với lượng mưa kỷ lục. Lượng mưa này khiến khu vực có cấu trúc trên bị phá vỡ và có lũ quét.
Nhiều khi sạt lở dẫn đến lũ quét và lũ quét gia tăng sạt lở ở khu vực đất đai phong hoá. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn về đất đá ở các khu vực này", ông Hà nhận định.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, cho rằng cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở, cả khách quan và chủ quan. Theo ông Bình, khách quan nhìn nhận thì chưa bao giờ trong lịch sử lại chứng kiến sự dị thường của thời tiết với bão chồng bão, lũ chồng lũ như hiện nay.
"Tôi ở miền Trung nhưng chưa từng chứng kiến lượng mưa lớn như thế tập trung tại miền Trung. Mưa lớn kéo dài khiến đất no nước nên sự kết dính của đất không còn nữa nên tạo ra sự nứt vỡ của đất dẫn đến sạt lở.
Đây là nguyên nhân khách quan nhưng không loại trừ chủ quan từ các công trình xây dựng không được nghiên cứu đầy đủ các yếu tố địa chất", ông Bình nhận định.
Thi thể nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở Trà Leng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoại sinh là nguyên nhân chính trong vụ sạt lở Trà Leng, cụ thể là mưa lớn, rất lớn khiến địa chất không chịu đựng nổi. Đất sét khi gặp mưa lớn đến cả nghìn mm trong nhiều ngày thì mất hết, lỏng như bùn.
Dù vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế làm thuỷ điện nhỏ và tiếp tục tăng cường trồng rừng, phủ xanh rừng với những loại cây có bộ rễ lớn.
Chưa thể dự báo sạt lở đất
Bộ trưởng Hà khẳng định hiện Việt Nam chưa thể dự báo được việc sạt lở đất cũng như lũ quét.
"Dự báo sạt lở đất là rất khó. Chúng ta cảnh báo nhưng các nước là dự báo. Họ có thiết bị để đo việc chuyển động đất, đá để từ đó đưa ra dự báo.
Việt Nam cần có phương án để giám sát, dự báo sạt lở đất trong tương lai", Bộ trưởng Hà nói.
Theo ông Hà, dự án điều tra để phòng chống lũ quét và sạt lở đất như đề nghị của tỉnh Quảng Nam là việc cần phải làm. Tuy nhiên, ông Hà cho hay với quy mô 1/1000, 1/2000 thì cần chi phí rất lớn. Do vậy, người đứng đầu Bộ Tài nguyên môi trường đề nghị các tỉnh đề xuất nghiên cứu theo từng khu vực ưu tiên để tiến hành từng bước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi nạn nhân trong vụ động đất ở Trà Leng
Ông Hà cũng đề nghị cần đầu tư xây dựng trạm hải văn ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) để thu thập dữ liệu, số liệu thuỷ văn trên biển Đông.
"Trình độ dự báo bão của Việt Nam ngang ngửa thế giới nhưng phần số liệu ở biển rất khó khăn, cần đầu tư trạm hải văn ở Trường Sa. Dữ liệu thuỷ văn có sự thay đổi rất lớn nên các mô hình dự báo hiện nay rất khó khăn nên cần hệ thống dữ liệu thống nhất trên biển", Bộ trưởng Hà nêu ý kiến.
Còn ông Nguyễn Hoà Bình nhận định rất cần thiết có bản đồ dự báo sạt lở đất. Nếu có, các địa phương sẽ chủ động xử lý các vấn đề liên quan như di dân, xây dựng các cụm dân cư.
"Xây dựng 2 bản đồ ngập lụt và địa chất yếu. Đây là 2 bản đồ rất quan trọng. Tốn mấy chúng ta cũng phải làm", ông Bình nêu ý kiến.
Đình Thức
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC