Đông đảo người ủng hộ Hoàng gia Thái Lan đã tập trung bên ngoài cung điện vào hôm 1-11, mang theo chân dung của vua Maha Vajiralongkorn và hoàng hậu Suthida. Hầu hết những người ủng hộ đều mặc áo vàng nhằm biểu thị lòng trung thành với Hoàng gia Thái Lan, theo đài Channel News Asia.
“Hôm nay tôi đến đây và ủng hộ cho những gì mà tôi tin tưởng”- bà Pakawarin Damrongrotthawee, một nữ doanh nhân người Thái Lan cho biết.
Bà cũng chia sẻ: “Sinh ra là người Thái Lan, bạn phải biết ơn chế độ quân chủ. Họ có thể phản đối chính phủ, nhưng không được động đến chế độ quân chủ”.
Nhà vua và hoàng hậu Thái Lan xuất hiện và được chào đón trong tiếng hoan hô của những người ủng hộ.
“Đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ nhà vua. Tôi muốn động viên ông ấy trong thời điểm nhóm người biểu tình có thái độ sai trái đối với chế độ quân chủ”- ông Siraseth Limpisuree chia sẻ.
Nhà vua và hoàng hậu Thái Lan gặp gỡ lực lượng ủng hộ chế độ quân chủ bên ngoài cung điện hôm 1-11. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Ông cũng trình bày: “Tôi muốn những người biểu tình hiểu rằng chế độ quân chủ là một phần của xã hội Thái Lan và Thái Lan không thể tồn tại nếu không có chế độ quân chủ. Chính phủ có thể bị thay đổi nhưng chế độ quân chủ thì không”.
Trước những phản đối trên, lực lượng biểu tình cho biết họ phủ nhận việc mong muốn thể chế hoàng gia bị bãi bỏ.
Họ cho rằng Hoàng gia Thái Lan đã lạm dụng quyền lực và chế độ quân chủ cần phải chịu thêm nhiều ràng buộc trước pháp luật. Thể chế hoàng gia được xem là nền tảng của Thái Lan. Các yêu cầu cải cách chế độ quân chủ gần đây đã phá vỡ niềm tin tồn tại hàng trăm năm tại đất nước này.
Kể từ khi nhà vua quá cố Bhumibol - cha của nhà vua Vajiralongkorn qua đời vào năm 2016, niềm tin của người dân vào Hoàng gia Thái Lan dần bị lung lay.
Các chỉ trích nhằm vào chế độ quân chủ liên tục được đưa ra dù việc này có thể bị xếp vào hành vi phỉ báng chế độ quân chủ và có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.
Trước đó, vào hôm 26-10, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành đến Đại sứ quán Đức tại Bangkok, Thái Lan. Lực lượng biểu tình đã kêu gọi chính phủ Đức điều tra về việc nhà vua Thái Lan đã sử dụng quyền lực của mình khi còn đang cư trú tại Đức.
Vào hôm 29-10, lực lượng biểu tình đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang nhằm châm biếm công chúa Sirivannavari Nariratana, con gái của nhà vua đồng thời cũng là một nhà thiết kế thời trang.
Các cuộc biểu tình tại Thái Lan bắt đầu từ tháng 7 với các yêu cầu ban đầu bao gồm giải tán nghị viện, xây dựng một hiến pháp dân chủ hơn và cải cách chế độ quân chủ.
Hoàng gia Thái Lan đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Điều này đã khiến cho những người theo chủ nghĩa bảo hoàng tại nhiều nơi buộc phải xuống đường chống lại những yêu cầu từ lực lượng biểu tình.