Trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hữu Hiệp đeo khăn rằn, động viên các bạn trẻ tình nguyện trước giờ lên đường - Ảnh: Q.L.
Các bạn đến với Quảng Ngãi và Quảng Nam, không chỉ mang theo những thứ cần thiết lúc này mà còn chở theo nghĩa tình của tuổi trẻ TP mang tên Bác ra với bà con. Chỉ có 4 ngày cho mọi khâu chuẩn bị và hình thành đội phản ứng nhanh khắc phục hậu quả sau cơn bão số 9 tại hai tỉnh này, điều mà phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải nói là "phải làm ngay dù không bao giờ muốn ra mắt những đội hình phản ứng nhanh và hoạt động gấp rút thế này"!
Chúng tôi rất cảm kích khi lãnh đạo các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ, các bạn trẻ tình nguyện chia sẻ hết mình cho chuyến đi nặng ân tình của tuổi trẻ TP.HCM.
Anh NGÔ MINH HẢI
Đội hình ứng phó nhanh
Bốn ngày ấy tính từ lúc đoàn của Thành đoàn TP.HCM vừa trở về sau chuyến cứu trợ bà con chịu ảnh hưởng của lũ lụt tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tuần trước. Phương án đội hình ứng phó nhanh khắc phục hậu quả bão số 9 tại Quảng Ngãi và Quảng Nam hình thành, ngay khi những thống kê đầu tiên về thiệt hại của bão số 9 gây ra cho bà con.
Và như truyền thống vốn có của tuổi trẻ TP.HCM bao năm qua, đội hình gồm y bác sĩ, sinh viên, kỹ sư, công tác xã hội... đã chốt ngay cùng các đơn vị để lên đường. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Bệnh viện Chợ Rẫy) nói không tới 48 tiếng để chuẩn bị thuốc, lên danh sách đội hình tình nguyện với 18 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ chia thành hai nhóm nhận lệnh của lãnh đạo bệnh viện để đến với bà con miền Trung.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị cơ số thuốc với khoảng 40 đầu mục để khám bệnh, phát thuốc cho 3.600 người dân tại hai tỉnh nói trên. Trong đó tập trung danh mục thuốc liên quan các vấn đề thường gặp sau bão lũ như: tiêu hóa, tăng sức đề kháng...
"Lãnh đạo bệnh viện rất lưu ý và tự mỗi chúng tôi cũng dặn nhau phải hết sức giữ an toàn cho chính mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đội cũng dự phòng và trong tư trang mỗi người đều sẵn một số vật dụng cần thiết để đề phòng tình huống bất trắc có thể gặp phải" - bác sĩ Sang chia sẻ.
Cũng vậy, ngay khi nhận thông báo, Đoàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM gửi thông tin đến các đơn vị và ngay tức khắc gần 20 bạn đã đăng ký tình nguyện tham gia đội phản ứng nhanh lần này. Anh Huỳnh Tấn Khương (bí thư Đoàn tổng công ty) cho biết đã chọn 6 người, và anh cũng trực tiếp dẫn đoàn tham gia cùng đội hình của TP.
Các bạn sẽ sửa chữa điện cho các hộ gia đình, cải tạo an toàn điện cho bà con những vùng bị ngập nặng.
"Chúng tôi cũng phải chọn các anh chị có chút kinh nghiệm tham gia các hoạt động tình nguyện trước đây, vì chuyến này đi xa, điều kiện làm việc cũng nhiều khó khăn hơn nhưng tinh thần là anh em sẵn sàng với quyết tâm cao nhất, chỉ mong đến sớm với bà con, giúp được càng nhiều càng tốt" - anh Khương bày tỏ.
Đi theo tiếng gọi hai chữ "đồng bào"!
Tranh thủ lịch thi giữa kỳ tuần này rảnh, bạn Trần Gia Bảo (Trường đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói đã tình nguyện đăng ký tham gia đội hình liền khi biết thông tin về chuyến đi.
"Một đứa con miền Tây như mình không thể nào hình dung hết, nhưng qua thông tin báo đài biết chắc đồng bào mình đang rất vất vả khi phải gánh chịu bão lũ liên tiếp như vậy. Mình sẽ đi Quảng Nam, mong có thể góp sức mình cùng các anh chị giúp thêm được gì cho bà con thì giúp" - Gia Bảo tâm sự.
Trưởng Ban công nhân lao động Thành đoàn Lê Hoàng Minh - chỉ huy tại tỉnh Quảng Nam - nói sẽ phối hợp hết mình với lực lượng của địa phương để giúp bà con.
"Mỗi thành viên trong đội hình đều sẵn sàng với tâm thế cao nhất. Đồng bào mình đang cần, chúng tôi cũng muốn đến với bà con thật nhanh, lan tỏa tinh thần xung kích tình nguyện như truyền thống vốn có của thanh niên TP" - anh Minh nói.
Trưởng Ban dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hữu Hiệp có mặt từ sớm để tiễn các đội hình lên đường. Ông nói Thành ủy hoan nghênh Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên TP đã nhanh chóng xây dựng đội hình khắc phục hậu quả bão lũ giúp đồng bào.
"Tôi cảm ơn các thầy cô, sinh viên, kỹ sư đã có mặt. Đội hình này không chỉ là 80 người mà là đội hình 80 cộng vì tôi biết lực lượng của địa phương và cả những cán bộ, nhân viên các đơn vị của TP có lực lượng trú đóng tại hai tỉnh này sẽ tham gia cùng. Mong các bạn hết sức giữ an toàn để hoàn thành nhiệm vụ cao nhất" - ông Hiệp căn dặn.
Bạn đọc Tuổi Trẻ đồng hành
Trong tổng kinh phí 2 tỉ đồng của đợt hoạt động khẩn cấp này, có phần chia sẻ từ sự đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ (800 triệu đồng) ủng hộ bà con miền Trung những ngày qua. Dự kiến tại mỗi tỉnh, đoàn công tác sẽ khám bệnh, phát thuốc cho khoảng 1.800 người dân, tặng quà (tiền mặt và một số nhu yếu phẩm) cho 600 hộ dân, giúp bà con khắc phục phần nào mất mát sau bão lũ.
Đoàn cũng mang theo 100kg hạt giống các loại tặng bà con, 10.000 tập trắng để học sinh trở lại trường học, đồng thời sửa chữa 36 căn nhà bị hư hại sau bão. Đoàn đã phối hợp cùng các tỉnh đoàn để lựa chọn đúng các trường hợp cần cứu trợ khẩn cấp đợt này.
Chương trình do Thành đoàn cùng báo Tuổi Trẻ và Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM tổ chức, cũng là đợt thứ hai tuổi trẻ TP.HCM đến với bà con miền Trung (từ ngày 1 đến 6-11), nối tiếp sau chuyến cứu trợ tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tuần trước.
Anh Ngô Minh Hải cho biết khi thông tin về đội phản ứng nhanh hình thành, một số đơn vị đã ủng hộ, góp tay cùng tổ chức Đoàn - Hội của TP để có thêm nguồn lực cho các chuyến đi. "Chúng tôi cũng sẽ khảo sát và dự kiến sẽ trở lại với bà con đợt tiếp theo, hỗ trợ sửa chữa nhà từ nguồn kinh phí ủy thác của MTTQ TP" - anh Hải thông tin.
TTO - Chiều 31-10, hàng chục tấn gạo cứu trợ đã được tập kết về UBND các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để sẵn sàng chuyển lên tiếp tế 2 xã Phước Lộc và Phước Thành đang bị cô lập.
Xem thêm: mth.17795020120110202-gnurt-neim-oab-gnod-iv-gnoud-nel-tur-pag-mch-pt-ert-nab/nv.ertiout