Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện hai dự án hồ chứa nước - Ảnh: Quochoi.vn.
Sáng 2-11, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) và dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).
Chuyển mục đích hơn 400ha rừng phòng hộ
Đây là hai dự án theo phê duyệt trước đây không thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh đã trở thành dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
Cụ thể, dự án hồ chứa nước Sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu năm 2010. Năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng.
Theo đó, dự án có 100,63ha rừng phòng hộ (tăng 90,73ha so với phê duyệt năm 2010), do vậy trở thành dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
Tương tự, dự án hồ chứa nước Bản Mồng được phê duyệt lần đầu với tổng dện tích 5.259,30ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 94ha; đất rừng sản xuất là 671,10ha.
Đến năm 2017 dự án được điều chỉnh, với diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là hơn 1.100ha. Trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn 312,95ha; rừng sản xuất 661,08ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 157,19ha.
Cần cân nhắc kỹ phương án trồng lại rừng
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) chia sẻ đồng tình với việc xây dựng hồ chứa nước ở các khu vực thường xuyên bị hạn hán.
Tuy nhiên bà lo lắng khi đọc báo cáo thẩm tra về dự án Sông Than, trong đó Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường có đề nghị: ‘‘UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung kinh phí phát sinh trồng rừng thay thế cho dự án’’.
Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn
Theo bà Yến, đề nghị trên có nghĩa là đến khi trình dự án này, các cơ quan liên quan chưa quan tâm đến kinh phí trồng rừng thay thế. ‘‘Như vậy đến khi được Quốc hội thông qua, liệu việc trồng rừng thay thế có được thực hiện nghiêm không?’’, bà Yến đặt câu hỏi.
Dẫn ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Lung - viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng - nói về vai trò rất quan trọng của rừng tự nhiên so với rừng trồng, bà Yến nói dù báo cáo thẩm tra cho rằng diện tích rừng chuyển đổi làm dự án hồ chứa nước là rừng nghèo và nghèo kiệt nhưng như đánh giá, rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên trong việc giữ nước ngầm, hạn chế sạt lở...
Do vậy việc chuyển mục đích rừng để làm dự án sẽ phải cân nhắc kỹ. Bà Yến đề nghị nghiên cứu và làm rõ phương án trồng rừng thay thế đối với các dự án nói trên.
Dừng một số thủy điện nhỏ và vừa
Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (Hà Giang) cho rằng vấn đề môi trường cần đặt ra hàng đầu, đặc biệt là an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập, phát triển thủy điện, trồng rừng.
Ông đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách 2021 - 2025, cần phải rà soát và điều chỉnh, bổ sung công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng phía Đông gồm Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, cân đối ngân sách cần tăng cao hơn.
Ông cũng đề nghị báo cáo Quốc hội về sự an toàn hệ thống thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa nước. Với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, không an toàn hạ du, không đảm bảo môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải có cơ chế dừng lại.
"Vì người chứ không phải vì tiền, còn nếu vì tiền như thế thì mất mát rất lớn, Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán thiệt hại lũ lụt có thể mất tới 20 tỉ USD. Thủy điện thu không được bao nhiêu, nhưng khi xả lũ đúng lúc mưa to thì ngập mênh mông, làm không đủ ăn", ông Sùng đề nghị xem lại hệ thống thủy điện, hồ chứa, báo cáo Bộ Chính trị, dừng một số thủy điện nhỏ và vừa, trả lại môi trường, vì an ninh quốc gia và đất nước.
TTO - HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2020 và 230 dự án chuyển mục đích 403ha đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020.
Xem thêm: mth.67214402120110202-na-ud-mal-oh-gnohp-gnur-tad-iod-neyuhc-ihk-naohk-nab-ueib-iad/nv.ertiout