Cử tri ngộp trong email vận động và... thư xin tiền
Đến hẹn lại lên. Bốn năm một lần, dân Mỹ đi bầu cử Tổng thống. Và chỉ còn vài chục giờ nữa là lại đến lần bầu cử Tổng thống mới. Tổng thống đương nhiệm, Donald Trump, hy vọng sẽ tái đắc cử. Người thách thức ông Trump là Joe Biden, nguyên phó Tổng thống thời ông Obama. Nếu bạn không đi bầu cử, bạn sẽ không biết là ngoài 2 ứng cử viên nặng ký trên còn có tới 4 cặp khác nữa.
Từ sau khi ông Biden vượt qua các đối thủ trong đảng Dân chủ để trở thành ứng cử viên Tổng thống, cuộc khẩu chiến giữa hai "cụ" cao niên bắt đầu (ông Biden 78 tuổi, còn ông Trump 74 tuổi). Không những thế, dân chúng cũng được lôi kéo bằng đủ mọi hình thức.
Nếu bạn có tài khoản trên Facebook, Twitter, Google, … lượng email bạn nhận được mỗi ngày cũng đủ để đọc mất vài tiếng trong ngày. Nếu bạn hảo tâm đóng góp vào một project nào đó, bạn sẽ nhận được rất nhiều thư hay các post Facebook xin tiền. Thử tưởng tượng nếu bạn ủng hộ ông X trở thành tổng thống/nghị sĩ và nhận được một email nói "X đang bị đuối, đối thủ của X được hậu thuẫn bởi YZ với cả triệu đô - bạn đóng góp 10 USD, chúng tôi sẽ tăng 500 lần để giúp X" thì bạn có đóng góp không? Nhưng một ngày mà có đến 20 cái email như vậy, bạn có cho tiền không?
Giờ này mà bật TV thì chỉ có bầu cử, bầu cử, và bầu cử. Tất cả các phương án được đưa ra. Kết quả thăm dò từ các hãng thông tấn, đảng phái, … đều được đánh giá.
Vận xui của ông Trump
Thông thường, đương kim Tổng thống có lợi hơn nhiều so với các ứng viên khác và khả năng tái đắc cử là cao hơn hẳn. Vậy tại sao lần bầu cử này khác những lần bầu cử trước đây. CNN thậm chí còn gọi đây là lần bầu cử có "sứ mạng lịch sử" và có thể ảnh hưởng tới nước Mỹ trong một tương lai lâu dài.
Sứ mạng lịch sử thì chưa biết nhưng hoàn cảnh lịch sử thì chắc chắn đúng. Tính cho đến nay, đã có 90 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, một con số cực kỳ ấn tượng nếu so với tổng số chừng 129 triệu người đi bầu năm 2016. "Em" nCoVy đã làm gần 230 ngàn người chết, 9 triệu người nhiễm bệnh. Và con số này đang tăng một cách chóng mặt. "Em" cũng là nguyên nhân quan trọng khiến 90 triệu người đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử.
Phải nói, ông Trump hơi xui xẻo. Nếu không có vụ nCoVy thì chắc không ai đánh bại được ông. Kinh tế (cổ phiếu) lên vù vù. Nhiều người nói ông hưởng lợi do chính sách của Obama. Nhưng thây kệ, kinh tế lên thì là thành tích của kẻ đương thời.
Ông theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết". Ông dương Đông kích Tây, làm đảo lộn rất nhiều thứ vốn đã tồn tại bền vững khắp thế giới. Thực sự ra thì khó có thể đánh giá được đúng sai của những chiến lược này. Cứ nói ông "đánh" Trung Quốc, nhưng thặng dư thương mại với Trung Quốc không những không giảm mà lại tăng. Nông dân Mỹ phải đổ khoai tây đi. Nhưng nhãn tiền thì Mỹ không đổ tiền vào những thứ không dùng cho Mỹ như WHO, bỏ tất cả hoặc giảm tối đa đóng góp trong những hiệp định tốn tiền của nước Mỹ… Ông Trump buộc các nước khác phải đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động của Liên Hợp Quốc... Đối với nhiều người thì thế là "Mỹ trên hết" rồi.
Ông nói chống dân di cư bất hợp pháp nên đòi xây tường ngăn giữa Mexico và Mỹ. Ông lấy tiền dành cho quân đội để làm tường. Dân chúng tung hô và có nhiều người ủng hộ cả tiền. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều nơi không có tường. Lại có nhiều chỗ, tường đã được đem bán sắt vụn ở Mexico. Ông trục xuất kha khá các loại dân với thẻ xanh nhưng chưa trở thành công dân về lại nước của họ vì vi phạm luật lệ. Đối với nhiều người thì thế là được rồi.
Ông Trump là một Tổng thống không giống ai. Ông có thể nói xấu hay tung hô bất cứ ai. Ông khích lệ những người bầu cho ông làm cái thứ mà họ thích. Vậy là đủ đối với họ.
Ba việc chính ông làm trong 4 năm qua là vậy. Bằng đó là đủ để giữ những người đã bầu cho ông. Vậy là đủ? Ông có thể sẽ không thắng số phiếu phổ thông, nhưng nếu tình hình năm 2016 lặp lại thì ông vẫn sẽ đắc cử. Dù rất "cay", nhưng ông khó mà thắng được phiếu phổ thông. Trước đây và bây giờ, chuyện đó sẽ không xảy ra!
Vậy thì cửa đâu cho ông Biden thắng cử?
Và cơ hội của ông Biden
Ông Biden có được lợi thế hiện tại thì cũng nhờ nhiều vào "em" nCoVy. Đùng một cái, "em" xuất hiện ở nước Mỹ. Em láng cháng một chút ở Seattle rồi im ỉm đi dạo. Rồi "em" bùng lên, làm cho nước Mỹ tái dại. Với cái điệp khúc ấy, "em" lơ lửng trên đầu dân Mỹ. Kẻ thì khiếp sợ. Người lại coi thường. Bây giờ đã là đợt thứ ba "em" nCoVy hành hạ nước Mỹ.
Giá mà ông Trump bảo dân chúng đeo khẩu trang thì có lẽ tình hình dịch bệnh đã khác. Nhưng ông lại không làm vậy. Số người Mỹ nhiễm nCoVy tăng vùn vụt, số người chết cũng thế. Điều này làm cho rất nhiểu người trước đây vì không thích bà Hillary mà bầu cho ông đổi ý. Thế đó, vậy là một phần phiếu của ông ra đi.
Dù nói qua nói lại ra sao thì ông Biden cũng có điểm mạnh. Ông đã rút được kinh nghiệm từ năm 2016. Ông cẩn thận hơn và cũng ít phốt hơn bà Hillary (nhưng, có chính trị gia nào là không có phốt nhỉ?) Ông tập trung vào những nơi Hillary thua. Được hậu thuẫn của Obama và rất nhiều chính khách khác ủng hộ nên có thể ông sẽ lật ngược được thế cờ ở những nơi cần thiết. Florida, Ohio, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Arizona, và ngay cả Texas. Đổi được mầu ở những nơi này thì ông sẽ thắng. Tôi nghĩ phía Biden cũng hơi lạc quan, chứ nếu Texas hay Arizona chuyển màu thì chính trị Mỹ sẽ còn nhiều biến động trong các năm tới!
Vậy đấy. Khả năng nước Mỹ sẽ có ông Trump - một người thường xuyên phát ngôn gây tranh cãi, quay lưng với khoa học - làm tổng thống trong 4 năm tới là không hề nhỏ. Nhưng ông Biden cũng có cửa để thắng. Cả hai đều biết cần phải làm gì để thắng: 270 phiếu đại cử tri. nCoVy đã hành hạ đương kim Tổng thống kha khá và giúp cho ông Biden rất nhiều. Liệu đương kim Tổng thống có lật được thế cờ? Hay Biden có thể tận dụng được lợi thế? Chỉ còn vài ngày nữa, mọi sự sẽ ngã ngũ.
Không lẽ, chỉ vì nCoVy mà ông Biden thắng?
Mới hay, mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên.
*Tít chính và các tít phụ trong bài do tòa soạn đặt lại.