Đến đầu giờ chiều nay, ngày 2-11 giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối tuần trước, niêm yết giá mua bán ở mức 56 – 56,5 triệu đồng/lượng.
Mặc dù đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của loại vàng độc quyền thương hiệu quốc gia nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới đến 3,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi vàng miếng tại SJC công bố giá mua vào trên 56 triệu đồng/lượng thì tại nhiều tổ chức kinh doanh vàng miếng lớn trên địa bàn TP.HCM vẫn mua vào với giá cực thấp.
Đơn cử như tại doanh nghiệp vàng Ngọc Hải, ngân hàng Maritime niêm yết giá vàng SJC ở chiều mua vào chỉ 55,6 triệu đồng/lượng. Thậm chí tại tỉnh Bến Tre, doanh nghiệp này niêm yết giá mua vào chỉ còn 55,2 triệu đồng/lượng dù đã tăng 100.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa ở cuối tuần trước. Giá bán ra tại doanh nghiệp này hiện giao dịch ở mức 56,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và bán nới rộng lên tới 900.000 đồng/lượng.
Cùng với chiều đi lên của giá vàng SJC, nhưng giá vàng trang sức và vàng nhẫn 24K tăng mạnh hơn nhiều. Hiện, giá vàng trang sức 24K tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch quanh 53,85 – 54,35 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 380.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Tương tự, nhẫn trơn mang thương hiệu Phú Quý tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, giá mua bán hiện ở mức 53,6 -54,2 triệu đồng/lượng, rẻ hơn vàng SJC khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng dao động ở mức 1.885 USD/ounce, tăng khoảng 7 USD/ounce so với giá đóng cửa cuối tuần. Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 52,9 triệu đồng/lượng. Các nhà đầu tư vẫn đang ngóng đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong vài ngày tới.
Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III giảm 19%, còn 892 tấn so với cùng kỳ. Mặc dù nhu cầu trang sức đã cải thiện so với con số thấp kỷ lục trong quý II nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do khủng hoảng kinh tế và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, do đó giảm 29%, còn 333 tấn.
Một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ vàng trang sức lớn nhất thế giới là Ấn Độ cũng giảm nhu cầu 30%. Nhu cầu trang sức giảm 48% trong giai đoạn tháng 7 – 9, còn 52,8 tấn so với 101,6 tấn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhu cầu vàng đầu tư lại tăng 52% lên 33,8 tấn. Nhu cầu vàng cho các hoạt động công nghệ trên toàn cầu giảm 6% còn 76,7 tấn.
Chiều ngược lại, nhu cầu vàng thỏi và xu tăng mạnh 49% lên 222,1 tấn. Các ngân hàng trung ương cũng đã bán ra ròng một lượng nhỏ trong quý III, tương đương 12 tấn. Bên cạnh đó, dòng vốn các ETF tiếp tục chảy mạnh vào thị trường vàng để tăng lượng nắm giữ lên con số kỷ lục 3.880 tấn.