Chính sách được coi là thù địch nhất của Mỹ đối với Trung Quốc trong một thế hệ đã không thể ngăn cản được đà tăng mạnh mẽ của chứng khoán đại lục. Thị trường nước này đã vượt mặt mọi thị trường lớn ở châu Á kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump vào năm 2016. Chưa dừng ở đó, các nhà phân tích dự đoán đà thăng hoa sẽ còn tiếp diễn, dù kết quả bầu cử sẽ như thế nào.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm vào giữa năm 2018, khi ông Trump "bắn phát súng" đầu tiên trong cuộc chiến thương mại, áp đặt hàng chục tỷ USD thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Dẫu vậy, sau khi 2 bên gần như đạt được thỏa thuận sơ bộ, thị trường đã hồi phục.
Năm nay, vốn hóa của TTCK Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục, do nền kinh tế đã vượt qua những tác động của đại dịch và đồng CNY mạnh lên. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên cũng kéo dài diễn biến này.
Kể từ khi ông Trump đắc cử vào tháng 1/2016, chỉ số CSI 300 đã tăng 41,19%. Theo đó, đây là chỉ số có diễn biến tốt nhất châu Á trong thời gian này, đứng sau Bombay Stock Exchange với mức tăng 47,8%. S&P 500 trong khoảng thời gian tương tự tăng 62.6%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật bản đã tăng 38,4% và Kospi của Hàn Quốc tăng 18%. Các chỉ số tại Singapore và Indonesia đều giảm trong thời gian này.
TTCK Trung Quốc vượt trội so với hầu hết phần còn lại của châu Á.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc được dự đoán sẽ còn hỗ trợ thêm đà tăng này, khi Bắc Kinh thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nới lỏng điều kiện cho vay, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cải cách thị trường nhằm tháo gỡ những rủi ro đối với đầu tư nước ngoài.
Một trong số những biện pháp này đã bù đắp cho khoản lợi nhuận bị ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ áp đặt, cũng như thanh khoản sụt giảm do nỗ lực kiểm soát lĩnh vực ngân hàng "ngầm" của chính phủ.
Frank Benzimra – trưởng nhóm chiến lược đầu tư chứng khoán của Societe Generale tại Hồng Kông, nhận định: "Việc kiểm soát gắt gao lĩnh vực ngân hàng ‘ngầm’ đang dần ở lại phía sau và tăng trưởng tín dụng đã được mở rộng. Sự phân tách trong lĩnh vực công nghệ và sự hội nhập tài chính của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đã tăng nhanh. Đồng thời, lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhanh theo chu kỳ khiến đây trở thành một cơ hội hấp dẫn."
Cứng rắn hơn với Trung Quốc là một trong số ít các chính sách đối ngoại của Mỹ có được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Trong cuộc vận động trước thềm bầu cử, ông Trump đã đưa ra kế hoạch "tách rời" nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc và ông Joe Biden cũng cam kết sẽ sử dụng thuế quan.
Theo Louis Kujis – trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại Oxford Economics, chiến thắng của ông Trump sẽ khiến cuộc chiến thương mại tiếp diễn và 2 nền kinh tế bị chia rẽ. Trong khi đó, việc ông Biden đắc cử cũng không mang đến lập trường chính sách "nhẹ nhàng" hơn đối với Trung Quốc, về các vấn đề kinh tế như công nghệ và sự tách rời.
Tổng vốn hóa của sàn Thượng Hải và Thâm Quyến trong nhiệm kỳ của ông Trump, tính đến ngày 29/10.
Trung Quốc rất có thể là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters vào cuối tháng 10, các chuyên gia dự báo GDP quý IV của Trung Quốc tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4.9% của quý III. Ngoài ra, đà tăng trưởng của năm 2021 dự đoán sẽ ở mức 8,4%, sau khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.
Yếu tố thúc đẩy đầu tư vào Trung Quốc là những cải cách trong lĩnh vực tài chính, giúp nhà đầu tư nước ngoài rót vốn dễ dàng hơn. Năm ngoái, Trung Quốc đã dỡ bỏ mức trần đối với các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu và trái phiếu. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc - Fang Xinghai, cho biết sẽ mở rộng phạm vi đầu tư trong chương trình liên kết TTCK Hồng Kông và Thượng Hải, cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trong thị trường hợp đồng tương lai.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn mở rộng cánh cửa đối với các ngân hàng lớn ở Phố Wall như JP Morgan và Goldman Sachs, cho phép họ điều hành các dự án kinh doanh trong nước, từ đó mang đến các khoản đầu tư mới. Theo Societe Generale , những động thái này đã giúp thị trường minh bạch hơn, giảm phần bù rủi ro mà nhà đầu tư yêu cầu khi nắm giữ cổ phiếu, từ mức hơn 10% năm 2015 xuống còn 6% ở hiện tại.
Số liệu mới nhất từ PBOC cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 2,46 nghìn tỷ CNY (345,5 tỷ USD) chứng khoán Trung Quốc, tăng 50% so với năm trước và là con số cao kỷ lục. Dẫu vậy, con số trên vẫn chưa đến 5% tổng vốn hóa. Kể từ mức đáy hồi tháng 3, TTCK lớn thứ 2 thế giới đã ghi nhận thêm hơn 3 nghìn tỷ USD và chạm mức vốn hóa 10,08 nghìn tỷ USD, nhờ các chính sách khuyến khích giao dịch của Bắc Kinh và đồng CNY tăng hơn 6% so với mức thấp hồi tháng 5. Riêng năm nay, CSI 300 đã tăng 17%.
Tham khảo Nikkei